Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh theo định hướng phát triển ổn định, bền vững. Các doanh nghiệp (DN) mong muốn liên kết, đóng góp vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, công trình trọng điểm, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng gia tăng.
Lãnh đạo Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Bình Dương nhiệm kỳ 2023-2028
Khai thác tiềm năng
Trên địa bàn tỉnh hiện có 43 DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản với 55 điểm mỏ. Tổng diện tích khai thác được UBND tỉnh cấp phép là 1.460 ha, với trữ lượng khai thác hàng năm đạt 9,3 triệu m3 đá, 0,83 triệu m3 sét gạch ngói và 0,2 triệu m3 cát.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Khoáng sản công nghiệp Bình Dương, trong quá trình khai khoáng các DN trong ngành luôn làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cưcho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác. “Thực tế người dân hầu hết đều được hưởng lợi rất lớn từ việc sang nhượng đất cho các dự án khai thác khoáng sản. DN nhận chuyển nhượng đất thường phải chi trảchi phí cao rất nhiều lần giá đất của thịtrường khu vực, người dân có được nguồn tiền rất lớn từ việc sang nhượng đất trong các dự án mỏ đã tự mua thêm nhiều diện tích đất ở nơi khác để canh tác, phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình”, ông Nguyễn Kim Hào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương (TP.Tân Uyên) cho biết.
Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Bình Dương, cho biết cần có một tổ chức liên kết, hợp tác, hỗtrợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, khai thác chế biến khoáng sản, gia tăng giá trị, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động trong ngành công nghiệp khoáng sản.
“Đại hội lần I, Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Bình Dương diễn ra trong bối cảnh kinh tế- xã hội đang rất khó khăn do ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu và sự suy giảm về tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn các DN trong ngành cũng có nhiều cơ hội để phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những thành tựu của tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất. Cần tăng năng suất lao động, chế biến sâu để gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Đạt có cái nhìn đầy kỳ vọng về sự liên kết của các thành viên trong hiệp hội.
Cùng tháo gỡ vướng mắc
Theo ông Nguyễn Kim Hào, việc xin quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án khai thác mỏ đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc mặc dù đã được UBND tỉnh và các sở, ngành tận tình hỗ trợ. Thực tế, đến nay DN không xin được quyết định chủ trương đầu tư, các dự án khai thác khoáng sản chưa thực hiện được việc ký quỹ đầu tư, thuê đất với Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, số lao động cả trực tiếp và gián tiếp trong ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh khoảng 5.000 người, trong đó đã sử dụng rất nhiều lao động là con em của các hộ dân tại địa phương nơi có mỏ khoáng sản hoạt động. Mức thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực này từ 120-500 triệu đồng/người/năm. |
Bên cạnh đó, còn vướng mắc liên quan đến trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đơn giá tính thuế tài nguyên và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa phù hợp với thực tế. Sự chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật cần phải tiếp tục kiến nghịvới các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. “Chúng tôi kỳ vọng sắp tới khi ban hành Luật Khoáng sản sẽ có những quy định cụ thể. Những văn bản dưới luật quy định thật rõ ràng, để chúng tôi thật sựvững vàng trong việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với việc sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Kim Hào cho biết thêm.
Các DN trong ngành kỳ vọng Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Bình Dương sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và của khu vực.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết thành lập Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Bình Dương nhằm mục đích thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội sẽ đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của thành viên, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động trong ngành công nghiệp khoáng sản tỉnh.
TIỂU MY