Cao su đang được ép kiện tại HTX Nhật Hưng
Trong hội nghị tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 2 phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX” và “HTX tiên phong trong xóa đói giảm nghèo - xây dựng nông thôn mới”, HTX cao su Nhật Hưng (ấp 1, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương) đã khẳng định mô hình kinh tế HTX kiểu mới đang hoạt động hiệu quả và đã thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường.Vượt khó
HTX cao su Nhật Hưng thành lập năm 2000 với nhiệm vụ kinh doanh ban đầu là thu mua mủ cao su nguyên liệu và chế biến gia công, sản xuất sản phẩm cao su xuất khẩu. Sau 10 năm hoạt động với không ít khó khăn, với sự nỗ lực của cả tập thể xã viên, HTX đã từng bước tạo dựng thành công thương hiệu cao su Nhật Hưng trong việc tiếp cận và cung ứng các sản phẩm cao su thiên nhiên phục vụ các ngành công nghiệp cao su, y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX với số vốn 140 triệu đồng cùng 9 thành viên, Chủ nhiệm HTX Nhật Hưng Lê Văn Sương tâm sự, chúng tôi gần như bắt đầu với 3 con số không: không kinh nghiệm, không thị trường và không chuyên môn. Với điểm xuất phát thấp và biết rằng đơn vị mình còn non yếu nên xác định để phát triển thì hoạt động kinh doanh phải theo cách “ném đá dò đường” từ đó rút ra kinh nghiệm, thống nhất ý kiến toàn thể xã viên rồi xây dựng phương án kinh doanh. Có lẽ, khó khăn hơn hết chính là tìm kiếm thị trường đầu ra, bởi vào thời điểm năm 2000, thị trường mủ cao su lâm vào cảnh ế ẩm, giá cả trồi sụt rất bấp bênh, cao su tồn kho với khối lượng lớn, các doanh nghiệp trong ngành lao đao vì không bán được hàng. Theo đó, áp lực tìm kiếm khách hàng, thị trường càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Xác định cái khó là khó chung của toàn ngành và quan trọng hơn hết ai có thể trụ lại được với ngành trong thời điểm khó khăn này thì sẽ thành công. Vì vậy, HTX đã áp dụng chính sách giá cả linh hoạt tùy từng đối tượng khách hàng, sản phẩm chất lượng, giao hàng đúng thời gian... nên được khách hàng đánh giá rất cao. Với nhiều giải pháp hợp lý, chỉ sau một thời gian ngắn (2001-2002), thông qua chất lượng sản phẩm, chiến lược linh hoạt và uy tín kinh doanh, HTX Nhật Hưng đã thiết lập cho mình nhiều đối tượng khách hàng thân tín, mở ra một bước ngoặt phát triển sản xuất - kinh doanh ổn định.
Đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường
Trong 5 năm đầu hoạt động, hiệu quả kinh doanh của HTX đạt thấp do phải tốn nhiều chi phí cho việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đầu vào cho các dịch vụ với mức giá cạnh tranh, bổ sung nguồn vốn hoạt động... Trăn trở với bài toán làm thế nào để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng cao hơn nhu cầu thị trường và cải thiện đời sống các xã viên.
Với phương châm phải luôn vận động để phát triển, năm 2005, HTX đã tập trung kiện toàn bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật... Song song đó, HTX cũng mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua sắm các máy móc công nghệ mới. Chú trọng công tác chăm sóc tốt vườn cây cao su, không vì chạy theo sản lượng mà lơ là quy trình kỹ thuật. Kết quả, sau một thời gian ngắn hiệu quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy lao động tinh gọn, năng suất luôn đạt và vượt theo năng suất chung của ngành, sản lượng tăng cao nhiều lần so với trước, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngành cao su Việt Nam và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Cùng chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị cũng bị giảm sút rất nhiều. Trước tình hình này, HTX đã nhanh chóng vạch ra kế hoạch phát triển chiều sâu vào thị trường nội địa, tăng cường tìm các đối tác mới và đặc biệt đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu các sản phẩm mủ cao su có chất lượng như mủ SVR3L, SVR10 sang thị trường truyền thống và khách hàng mới... Nhờ vậy, trong năm 2009, khi được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất cùng các giải pháp tháo gỡ khó khăn thì tình hình sản xuất - kinh doanh của HTX Nhật Hưng phục hồi rất nhanh. Cụ thể, doanh thu năm 2009 đạt 420 tỷ đồng tăng 107 tỷ đồng so với năm 2008. Tổng chi phí 418 tỷ đồng; nộp thuế 500 triệu đồng và thực lãi 1,5 tỷ đồng. Sản xuất - kinh doanh có hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người lao động, xã viên với thu nhập từ 1,5 triệu đồng tăng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, HTX vẫn còn một số khó khăn nhất định do nền kinh tế thế giới lẫn trong nước chưa hồi phục hẳn. Dù vậy, kế hoạch hoạt động của HTX vẫn hướng tới mục tiêu tăng trưởng 10% và phấn đấu vượt chỉ tiêu trên 20%. Trong đó, mục tiêu chủ yếu là tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và tiến tới tăng cường tìm các đối tác mới và đặc biệt đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu các sản phẩm mủ cao su có chất lượng như mủ SVR3L, SVR10... sang các nước Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ...; nâng cao chất lượng giữ vị trí hàng đầu trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chế biến mủ cao su các loại.
Theo ông Lê Văn Sương, yếu tố thành công chính là sự đồng thuận, dân chủ và đoàn kết trong toàn thể xã viên, đã tạo sức mạnh cho HTX vượt khó trong mọi tình huống. Có lẽ đây là phương châm giúp HTX Nhật Hưng không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu cao su mà đang đầu tư vào nhiều ngành nghề mới theo hướng đa dạng hóa ngành nghề như đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất dây thun, thực hiện dự án khu du lịch sinh thái ở Đập nước Cua Đinh xã Tân Bình - Tân Uyên; dự án nuôi thâm canh các loại thủy sản và đầu tư các ngành khác như dịch vụ xây dựng, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa, thi công đường giao thông nông thôn, kinh doanh nhà hàng, khách sạn...
Có thể nói, với những giải pháp hợp lý, tầm nhìn dài hạn, từng ấy năm HTX luôn được sự ủng hộ, tin tưởng hết mình của xã viên. Qua đó, minh chứng mô hình kinh tế HTX kiểu mới đang hoạt động hiệu quả và thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường.
TRÚC HUỲNH