Horasis Trung Quốc 2024: Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng mở rộng giao thương

Cập nhật: 14-04-2024 | 10:49:50

(BDO) Thông qua Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bình Dương hướng đến mục tiêu tìm kiếm cơ hội và đối tác mới, cùng phát triển năng lực quản trị, trình độ khoa học - công nghệ, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác .

 Việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho DN Bình Dương

Cùng hợp tác xuất khẩu bền vững

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực, đa dạng các mặt hàng của Việt Nam, do gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương.
Đại diện các DN Bình Dương cho biết với hơn 1,4 tỷ dân, thị trường Trung Quốc có sức mua tốt, người tiêu dùng nước này khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam.
Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 170 tỷ USD. Trong đó, những ngành hàng khách hàng Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có lợi thế là trái cây tươi, trái cây chế biến… Dư địa tăng trưởng những ngành hàng này tại Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng được dự báo sẽ còn tăng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Vinamit cho biết, công ty đã phát triển thị phần ở thị trường Trung Quốc từ nhiều năm trước. Để đưa sản phẩm vào Trung Quốc bằng chính thương hiệu của mình, cần có chiến lược dài hơi, vượt qua nhiều thách thức, bảo đảm xuất khẩu bền vững.

Ông Viên khuyến cáo, thói quen kinh doanh của không ít DN và nông dân trong nước nhiều năm qua là “có gì bán nấy”, ưa chuộng phương thức xuất khẩu tiểu ngạch, làm việc qua các thương lái… nên không có sự chủ động và chiến lược dài hạn, dễ lúng túng trước những quy định mới của nước nhập khẩu.

Thông qua các diễn đàn trao đổi, hợp tác lần này các DN muốn mở rộng thị trường, tận dụng dư địa của thị trường cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu về thị trường một cách bài bản trước khi chính thức đưa hàng hóa của mình vào các khu vực thị trường mới tại Trung Quốc, do mỗi khu vực thị trường tại Trung Quốc có thói quen tiêu dùng, nhu cầu và thị hiếu khác nhau.

Cụ thể, đối với các DN ngành rau quả cần nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với DN Trung Quốc.

“Để đưa sản phẩm vào Trung Quốc bằng chính thương hiệu của mình phải tốn nhiều năm, cùng với đó vượt qua nhiều thách thức. Điều mấu chốt là cần phải tìm được những nhà nhập khẩu Trung Quốc uy tín và tin cậy, trở thành đối tác lâu dài mới có thể cạnh tranh được tại thị trường rộng lớn như Trung Quốc. Tiếp đó là nắm được quy định kiểm định hàng hóa của Hải quan Trung Quốc.

Chúng tôi làm việc chặt chẽ với khách hàng để làm ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Chúng tôi đã làm được điều này với các đối tác lớn, mang tầm quốc tế tại Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi duy trì được sản phẩm có mặt trên kệ các siêu thị lớn mang tầm quốc tế tại Trung Quốc”, ông Viên chia sẻ.

Ông Viên chia sẻ thêm, các DN cũng cần tạo mã sản phẩm, mã DN, mã vùng nguyên liệu. Khi đã có đối tác DN sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký, trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc theo đúng yêu cầu của phía nước bạn.

Ông Nguyễn Văn Tiếng, Giám đốc HTX Dân Tiếng (huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp muốn hợp tác với các đối tác từ Trung Quốc để xuất khẩu hàng chính ngạch. “Chúng tôi cần biết những chính sách, quy định của các đối tác Trung Quốc để tổ chức sản xuất theo quy định.

Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, hàng hóa, nhất là nông sản dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, đường hàng không cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... Nhưng cũng chính những quy định như vậy sẽ buộc DN trong nước phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics”, ông Tiếng nói.

Nâng tầm hợp tác phát triển

Một thuận lợi để DN Bình Dương khai thác tốt thị trường Trung Quốc là việc khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại.

 Đoàn DN ngành gỗ Bình Dương “tiền trạm” các chương trình hợp tác phát triển ngành gỗ tại thị trường Trung Quốc tháng 3-2024

Tuyến đường vận chuyển bằng đường sắt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.

Ông Trần Văn Úc, Trưởng phòng Logistics Công ty TNHH Pannasonic (TX.Bến Cát) cho biết, việc khai mở tuyến đường sắt tạo cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Kỳ vọng rằng, các DN logistics sẽ có sự hợp tác rút ngắn thời gian, tạo lợi thế cho hoạt động xuất nhập khẩu của các DN tại Bình Dương với giá cả hợp lý hơn so với các thị trường khác, từ đó tác động tích cực tới năng lực cạnh tranh của các DN sản xuất.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Minh Phát (TP.Thuận An) cho biết trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN Trung Quốc đang rất quan tâm và tiếp tục xu thế mở rộng hợp tác đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có ngành gỗ.

“Chúng tôi rất hoan nghênh những DN ngành gỗ có trình độ công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Qua đó đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng ngành gỗ lên tầm cao mới, đóng góp cho sự bền vững cho ngành gỗ 2 quốc gia, bảo đảm những thông lệ quốc tế”, ông Hiệp nói.

 Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics cho biết, ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí và có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ... của Trung Quốc.

Tiểu My

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên