Măng cụt Lái Thiêu (TX.Thuận An) lâu nay nức tiếng gần xa, là trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam vào năm 2012. Tuy vậy, thời gian qua nhiều người vẫn còn nhầm lẫn măng cụt Lái Thiêu với măng cụt ở các vùng khác. Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Sơn ra đời gồm những thành viên tâm huyết với cây măng cụt đã và đang nỗ lực giữ vững thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nỗ lực duy trì, phát triển vườn cây
HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 với 11 xã viên. Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX, cho biết mục tiêu hoạt động của đơn vị là hình thành hệ thống quản lý an toàn, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm dịch vụ của HTX, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các xã viên.
Là người tâm huyết với cây măng cụt, ông Viễn cũng có những ưu tư trước quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay. Ông chia sẻ, thời gian qua nhiều vườn cây măng cụt ở vùng Lái Thiêu đã bị bỏ hoang hoặc chủ nhà chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Trước thực tế này, ông cùng một số người có tâm huyết với cây măng cụt trên địa bàn bàn bạc, thống nhất để xin thành lập HTX để giữ gìn và phát triển vườn cây măng cụt.
Ông Trần Văn Viễn (bên trái), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng măng cụt với ông Phạm Văn Châu - xã viên HTX.
Ảnh: VĂN TIẾN
Ông Phạm Văn Châu, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn, cho biết gia đình ông có khoảng 1 ha với hơn 20 cây măng cụt. So với các loại cây ăn trái khác, cây măng cụt cho thu hoạch muộn hơn (8 năm trở lên cây mới ra trái) và cho sai trái từ 15 năm trở lên; càng nhiều năm tuổi cây măng cho quả nhiều hơn. Người trồng măng cụt cần có tính kiên trì và chịu khó; nếu thời tiết thuận lợi cây măng cho sai trái và ngược lại. Những năm gần đây, cây măng được mùa nên các gia đình trồng măng ở khu vực Lái Thiêu rất phấn khởi. Đặc biệt, vụ mùa năm nay vườn măng của ông cho năng suất khá hơn năm trước. Từ khi trở thành xã viên của HTX, ông có cơ hội học tập thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức để chăm sóc cây măng cụt ngày càng tốt hơn.
Ông Viễn cho biết thêm, thời gian qua các xã viên của HTX thường xuyên gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Trong quá trình chăm sóc, theo dõi vườn cây, nếu xã viên nào phát hiện dịch bệnh thì các xã viên phối hợp nhanh chóng bàn cách xử lý kịp thời. Cùng với đó, mỗi xã viên cũng tích cực thông báo thông tin về giá cả sản phẩm, tránh để tiểu thương ép giá, gây tổn hại đến lợi ích của các xã viên khác trong HTX.
Tăng cường quảng bá sản phẩm
Điều đáng phấn khởi là mới đây, vườn măng cụt của 6 xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn được công nhận đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo ông Viễn, để xây dựng được mô hình sản xuất măng cụt đạt tiêu chuẩn VietGAP là một quá trình khó khăn, từ khâu kiểm tra về mức độ an toàn nước, đất đến việc các xã viên phải được tập huấn về VietGAP, quy trình kỹ thuật canh tác măng cụt, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM...
Việc vườn măng cụt của các xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện cần thiết để nâng cao giá trị, sản lượng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm măng cụt trên địa bàn. Trong vụ mùa vừa qua, HTX đã bán ra thị trường Hà Nội gần 1 tấn măng cụt, mang lại giá trị cao. Đây là bước đi đúng hướng trong việc đưa măng cụt Lái Thiêu vươn ra xa hơn trên thị trường. Tuy nhiên, trái măng cụt chỉ ra theo mùa vụ nên HTX không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, HTX mong muốn các nhà phân phối măng cụt xây dựng nhà máy thu gom và lưu trữ trái măng cụt để có thể đưa ra thị trường trái cây đặc sản này quanh năm.
Ông Trần Thế Phong, Chủ tịch UBND xã An Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo kinh tế tập thể xã, cho biết địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn phát triển. Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn, thời gian qua hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương.
Theo lãnh đạo HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn, trong thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, như xây dựng trang web riêng, nỗ lực đưa sản phẩm vào bán tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Có thể thấy, tuy mới thành lập nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn đã góp phần quan trọng giữ vững và phát huy thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu trên thị trường. Các xã viên HTX sẽ tiếp tục mang vị ngọt của trái măng cụt Lái Thiêu đến khách hàng.
VĂN TIẾN