Được thành lập tháng 11-2016, đến nay Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (HTX Kim Long - xã An Bình) là đơn vị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, có định hướng đúng trong khâu thị trường nên 8 ha dưa lưới trong nhà kín của HTX đạt chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Công nhân chăm sóc dưa lưới tại HTX Kim Long. Ảnh: TIỂU MY
Đặt niềm tin vào nông dân
Anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long, cho biết anh bắt đầu tham gia trồng trọt từ năm 2013 với việc trồng rau công nghệ cao, song thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật canh tác. Năm 2014, qua tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới anh quyết tâm chuyển đổi 7.000m2 cao su của gia đình sang trồng dưa lưới.
Sau nhiều lần thử nghiệm và đưa sản phẩm dưa lưới ra thị trường thành công, tháng 11-2016 anh Quyết quyết định thành lập HTX Kim Long với 9 thành viên, vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng. Trong quá trình trồng trọt, anh luôn đặt niềm tin vào người nông dân. Thay vì bám đất, anh quyết tâm làm chủ kỹ thuật và chuyên tâm phát triển thị trường.
Điều đáng mừng là các thành viên trong HTX rất giỏi canh tác; bằng kỹ thuật HTX đưa ra, các hộ nông dân canh tác rất hiệu quả. “Tôi nhận thấy, khi hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần đưa mỗi người về đúng vị trí của mình. Người nông dân có đất, có kinh nghiệm canh tác. Chúng tôi có hiểu biết về kỹ thuật, về công nghệ, quản lý về quy trình và phát triển thị trường. Qua hơn 3 năm hoạt động, tôi thấy rằng mô hình làm việc này rất hiệu quả”.
Hiện nay, đối với các thành viên trong HTX anh lo quy trình kỹ thuật, vật tư và bao tiêu sản phẩm nên họ rất yên tâm sản xuất. Hiện 1 ha dưa lưới, mỗi năm trung bình HTX thu được 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn (khoảng 2,5 tỷ đồng/ha) nên là một rào cản lớn đối với nhiều hộ nông dân. Hơn nữa, vì muốn có bước đi vững vàng, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa nên anh Quyết không tổ chức sản xuất ồ ạt mà cân đối nguồn cung cầu để bảo đảm hiệu quả sản xuất cho bà con.
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện đối tác chính của HTX là Siêu thị Big C, Bách Hóa Xanh và chuỗi siêu thị minimart tại Hà Nội. “Nếu so với trồng cao su và điều thì thu nhập từ trồng dưa lưới tính trên 1 ha cao hàng chục lần (1 ha cao su hiện nay cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm)”, anh Quyết chia sẻ.
Tuân thủ quy trình sản xuất
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong sản xuất nông nghiệp, anh Quyết cho biết sản phẩm nông nghiệp phải bảo đảm tuân thủ quy trình kỹ thuật và đặc biệt phải bảo đảm chất lượng, an toàn, giữ vững niềm tin đối với khách hàng. Dưa lưới là loại cây khó tính, dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại nên cần được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận.
Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa lưới cách ly với côn trùng gây bệnh, ứng phó tốt trước thời tiết thay đổi thất thường. Do thời gian sinh trưởng ngắn, lại áp dụng kỹ thuật chăm sóc công nghệ cao nên dưa lưới đạt năng suất cao, chất lượng tốt, có thể trồng 4 vụ/năm. Hiện giá bán dưa lưới tại HTX là 35.000 đồng/kg.
Dưa lưới của HTX Kim Long được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Xung quanh nhà màng có lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài vào, trong nhà gắn quạt đối lưu tạo điều kiện dung hòa nhiệt độ cho dưa phát triển, còn mái bằng nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Hiện nay, cây dưa được HTX trồng trong các bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, được đặt trên những viên gạch trên vải địa, không tiếp xúc với máng thu nước thải dư, cách ly tuyệt đối giữa các bầu.
HTX sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt capinet và châm phân ventury, thiết bị hẹn giờ, nguồn nước sạch, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ nhu cầu của cây; phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. HTX chú trọng dùng các chất hữu cơ và các sản phẩm sinh học để bảo đảm sức khỏe cho người lao động và khách hàng.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm trên các vùng đất khác nhau mở ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp huyện nhà. Với những điều kiện thuận lợi hiện nay, tới đây HTX Kim Long tiếp tục phát triển thành viên và mở rộng diện tích gieo trồng.
Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thời gian qua các HTX, tổ hợp tác (THT) đã góp phần xây dựng và hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, huyện đã và đang chủ động nâng cao năng lực điều hành, quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đồng thời dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích các HTX, THT phát triển. Bên cạnh những khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, thành viên HTX, THT được tổ chức định kỳ hàng năm, huyện cũng thường xuyên mời các chuyên gia về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới cho HTX, THT. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng được huyện chú trọng. Nhờ những biện pháp tuyên truyền, gắn với sự hỗ trợ thiết thực từ các ngành, địa phương, ý thức về ATVSLĐ trong các HTX, THT trên địa bàn đang được cải thiện đáng kể, giúp hoạt động sản xuất hiệu quả và an toàn hơn. |
TIỂU MY