Là vùng đất có tiềm năng lớn về nhiều mặt, huyện Phú Giáo đang được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần với tầm nhìn quy hoạch chiến lược. Theo quy hoạch, huyện Phú Giáo sẽ được phát triển theo hướng “công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn thiên nhiên”.
Với quy hoạch bài bản, đồng bộ, huyện Phú Giáo kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, văn minh trong tương lai gần
Giàu tiềm năng, lợi thế
Huyện Phú Giáo có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai thích hợp cho phát triển các loại cây trồng ăn trái (bưởi, cam, quýt, xoài...), chăn nuôi và dịch vụ du lịch. Cùng với đó huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn, hơn 88% tổng diện tích tự nhiên, thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài cây cao su chiếm hơn 80% diện tích đất trồng cây lâu năm, trên địa bàn huyện đã hình thành một số các vùng nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ngoài ra, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái với quy mô hơn 400 ha cũng là địa điểm thu hút khách tham quan, học tập kinh nghiệm, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Với quy hoạch bài bản, đồng bộ và sự quyết tâm chính trị cao, huyện Phú Giáo đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn thiên nhiên vào năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Chức năng cụ thể: Vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực; vùng sản xuất công nghiệp mới của tỉnh với định hướng phát triển các khu, CCN gắn với phát triển đô thị tại một số khu vực, bảo đảm phát triển kinh tế ổn định và bền vững. |
Cùng với điểm sáng về nông nghiệp, huyện có nhiều lợi thế để thu hút vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ - du lịch khi tiếp giáp với khu vực kinh tế phát triển như huyện Bàu Bàng, Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), KCN Nam Đồng Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước)... Ngoài ra, các tuyến giao thông quan trọng ĐT741, ĐT750, tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được đầu tư xây dựng giúp kết nối thuận lợi.
Các khu, cụm công nghiệp (CCN) - tiểu thủ công nghiệp ở Phú Giáo cơ bản đã hình thành và đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể, huyện đã đưa vào hoạt động CCN Tam Lập 1, chuẩn bị đầu tư 4 CCN. Ngoài ra, huyện Phú giáo có tiềm năng về phát triển du lịch với các khu du lịch hiện hữu như suối Rạt, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, hồ Phước Hòa sông Bé, suối Vàm Vá, cầu Sông Bé, dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành…
Quyết tâm bứt phá
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho rằng những thuận lợi trong chính sách đầu tư của tỉnh về nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp đã tạo điều kiện và tạo động lực phát triển cho huyện theo hướng hiện đại, văn minh.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò chủ lực của huyện. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn thị trấn Phước Vĩnh
Với những thành quả bước đầu và tiềm năng to lớn, huyện Phú Giáo đang quyết tâm bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần. Theo đó, cấu trúc không gian phát triển huyện Phú Giáo được chia thành 3 vùng. Vùng công nghiệp - đô thị trung tâm
gồm thị trấn Phước Vĩnh, mang tính chất trọng tâm hạt nhân đô thị, tập trung các công trình trung tâm hành chính, chính trị, công cộng, dịch vụ, thương mại, các khu, CCN gắn với khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm... Vùng nông nghiệp ven sông Bé gồm 8 xã An Long, An Linh, Tân Long, An Thái, Phước Sang, Phước Hòa, Tân Hiệp, Vĩnh Hòa. Vùng bảo tồn thiên nhiên gồm một phần xã Tam Lập, phát triển dịch vụ du lịch, phát triển dân cư gắn với lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, quy hoạch huyện dựa trên tinh thần khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững, đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực.
TIẾN HẠNH - LÝ HUY