Hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt

Cập nhật: 10-11-2023 | 13:56:42

(BDO) Nhằm triển khai tốt công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng (MSVT) lĩnh vực trồng trọt (nội địa), nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trong tình hình mới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) hướng dẫn quy trình cấp MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. 


Tập huấn triển khai cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt

Theo Chi cục TT&BVTV, vùng trồng là một vùng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng. MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Các yêu cầu của vùng trồng: Quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 1 ha, cây hàng năm là 0,1 ha. Vùng trồng phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật ATTP số 55/2010/QH12; có đầy đủ thông tin theo mẫu số 01 Phụ lục 1 của Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19-8-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý MSVT và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (Phụ lục 2 của quyết định nói trên), đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn (quy trình) áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp MSVT.

 MSVT có kết cấu như sau: VN-mã tỉnh/TP - quận/huyện - phường/xã - cơ sở sản xuất - năm cấp. Trong đó, mã tỉnh/TP, quận/huyện, phường/xã sử dụng mã số các đơn vị hành chính theo quy định của Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và các văn bản cập nhật, bổ sung mã số của các đơn vị hành chính mới. Tỉnh/TP, quận/huyện, phường/xã xác định theo địa chỉ vùng trồng của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số. 

Mã cơ sở sản xuất do các tỉnh/thành phố quy định thống nhất theo số thứ tự từ 1 đến hết. Năm cấp lấy hai số cuối của năm cấp MSVT. Ví dụ: VN-74-722-25870-01-23 là MSVT cây A tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; trong đó: VN (Việt Nam)-74 (Bình Dương)-722 (Phú Giáo)-25870 (An Bình)-01 (số cơ sở cấp)-23 (năm cấp 2023).

Các bước cấp/cấp lại MSVT: Tổ chức/cá nhân (gọi tắt là cơ sở) gửi giấy đăng ký theo mẫu số 01 Phụ lục 1 (tài liệu hướng dẫn) đến Chi cục TT&BVTV tỉnh Bình Dương. Đồng thời, cơ sở đăng ký tại website Cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, mục đăng ký MSVT (Plant number of code) theo đường dẫn: https://csdltrongtrot.mard.gov.vn/#/pages/register-crop-region-code; điền đầy đủ các thông tin có trong website và lưu lại.

Chi cục TT&BVTV thực hiện kiểm tra mức độ đáp ứng theo yêu cầu của mục 3.1 đối với các thông tin đã cung cấp theo mẫu số 01 Phụ lục 1 (tài liệu hướng dẫn) và kiểm tra mức độ đáp ứng theo yêu cầu đối với các thông tin đã cung cấp trên website. 

Không thực hiện kiểm tra thực tế đối với các trường hợp vùng trồng đã được cấp giấy đủ điều kiện ATTP theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, như: VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, GlobalG.A.P, ASIAGAP, ASEANGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững… và đáp ứng yêu cầu của vùng trồng (quy mô tối thiểu, thông tin giấy đăng ký MSVT). 

Thực hiện kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký với các trường hợp còn lại theo mẫu 02 Phụ lục 1 (tài liệu hướng dẫn). Nội dung biên bản cần ghi rõ vùng trồng đã đáp ứng các quy định yêu cầu của vùng trồng (tài liệu hướng dẫn) chưa, trường hợp chưa đáp ứng cần nêu rõ tiêu chí chưa đáp ứng và đề nghị cơ sở khắc phục. Trường hợp cần thiết có thể tiến hành kiểm tra thực địa đối với việc khắc phục của cơ sở; có thể thực hiện việc cấp MSVT trước và thực hiện hậu kiểm, thời gian hậu kiểm đối với trường hợp này không quá 6 tháng kể từ ngày cấp.

Cấp MSVT khi vùng trồng đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng theo tài liệu hướng dẫn sẽ được cấp mã số theo quy định. Ngoài nội dung hướng dẫn cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt ở trên, còn có các nội dung liên quan quản lý khác. 

Để biết thêm thông tin các nội dung liên quan thiết lập và cấp MSVT, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tổ chức/cá nhân có thể liên hệ Chi cục TT&BVTV, đường Nguyễn Văn Lên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. 

Chi cục TT&BVTV thực hiện cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt theo Quyết định số 200/QĐ-SNN ngày 22-9-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PHƯƠNG ANH - NGUYỄN TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1845
Quay lên trên