Hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Thứ sáu, ngày 24/01/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp đô thị, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

 Mô hình trang trại chăn nuôi công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng, huyện Bắc Tân Uyên

Nâng tầm sản xuất

Bình Dương không chỉ phát triển công nghiệp năng động mà còn hướng đến nền nông nghiệp phát triển theo hướng thông minh, mang lại giá trị cao. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc.

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 2,5-3%; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên trên 30%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đào tạo nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp... Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian qua ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã và đang đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhà kính thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, qua đó tạo sự chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, biến những cánh đồng truyền thống thành những nông trại hiện đại.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp, xã Phước Sang (huyện Phú Giáo)... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.760 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Đáng chú ý, Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

 Mô hình canh tác chuối sứ nuôi cấy mô theo hướng hữu cơ ở huyện Bắc Tân Uyên

Liên kết 6 “nhà” tạo chuỗi giá trị nông sản

Để hỗ trợ nông dân sản xuất cũng như cụ thể hóa những chính sách trực tiếp đi vào đời sống, sản xuất của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất chương trình đột phá, hợp tác “6 nhà”: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết chương trình hợp tác “6 nhà” sẽ tạo nên mối liên kết giữa các nhà. Trong đó, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi nhà sẽ được phát huy; cùng song hành, hỗ trợ lẫn nhau về đích một cách hiệu quả; cụ thể hóa những chính sách trực tiếp đi vào đời sống, sản xuất, kinh doanh của nông dân. Chương trình hợp tác cũng sẽ góp phần giúp người nông dân tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết hợp tác với Sàn thương mại điện tử Felix.store xây dựng kênh thương mại điện tử cho hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ các loại nông sản của tỉnh. Đây là sàn thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2B (mua sỉ, bán sỉ) dành cho nông sản Việt. Sàn này hiện giao dịch với hơn 91.000 tài khoản, 400 gian hàng và hơn 10.000 sản phẩm. Bên cạnh đó, Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh thực hiện các dự án nghiên cứu về kỹ thuật trồng trọt nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm từ cây nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng giá trị và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Bình Dương trên thị trường trong và ngoài nước.

Song song đó, Bình Dương có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ nông dân và các trang trại tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Phạm Văn Bông cho biết.

 Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển. Với chương trình hợp tác “6 nhà” (Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đề xuất), nhiều chính sách, cơ chế sẽ tăng cường liên kết kinh tế, đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể tham gia các mô hình liên minh, liên kết. Đây cũng là quá trình để tạo một mắt xích gắn bó, tuần hoàn; tuân theo xu thế hiện nay đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của nhu cầu thị trường.

 THOẠI PHƯƠNG