Hướng đến phát triển du lịch bền vững

Thứ hai, ngày 13/01/2025

Những lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa tạo cho TP.Tân Uyên tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. TP.Tân Uyên đang liên tục có các giải pháp kết nối, quảng bá, thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, TP.Tân Uyên có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch

 Phát huy lợi thế

 TP.Tân Uyên có vị trí thuận lợi, có tiềm năng phát triển du lịch tương đối đa dạng, phong phú. Với hệ thống vườn cây trái, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng với khí hậu ôn hòa, thành phố có thể phát triển du lịch sinh thái vườn thành một sản phẩm du lịch đặc sắc. Thời gian qua, trung bình hàng năm thành phố thu hút 40.000 lượt khách du lịch. 

Đáng chú ý, thành phố đã tổ chức thành công thí điểm tuyến du lịch cho hơn 300 du khách; tiếp đón hơn 7.000 lượt khách đến tham quan các di tích trên địa bàn thành phố. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, thành phố đang quyết liệt triển khai Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Có thể nói, đây sẽ là bước đột phá mới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương và phát triển cộng đồng. Đề án được áp dụng vào thực tế sẽ góp phần định hướng việc phát triển ngành du lịch cho địa phương, là một trong 3 trụ cột phát triển trong chiến lược phát triển đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch (trong đó du lịch sinh thái là nòng cốt). 

Bên cạnh đó, Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đưa ra những lợi ích thiết thực về kinh tế và xã hội cho thành phố khi phát triển ngành du lịch. Từ đó góp phần tạo nên diện mạo thành phố xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.

Đánh thức tiềm năng

 Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tân Uyên được chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. 

Tuy vậy, hiện nay sản phẩm du lịch ở TP.Tân Uyên còn khá đơn điệu, chưa rõ nét, chưa mang tính khác biệt với các địa phương khác trong tỉnh. Do đó, thành phố cần quy hoạch và xây dựng hệ thống sản phẩm phù hợp với thị trường khách tiềm năng và tài nguyên hiện có. Theo Thạc sĩ Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, TP.Tân Uyên có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và sản phẩm du lịch đường sông, có thể kết nối với các tuyến du lịch nội vùng Đông Nam bộ. 

Tuy nhiên, để ngành du lịch TP.Tân Uyên trở thành chủ thể trong trụ cột kinh tế thành phố: Công nghiệp - dịch vụ - du lịch cần có nhiều định hướng và giải pháp thực hiện. “Cần quy hoạch lại hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng hiện có, nhưng phải phù hợp với thị trường du lịch hiện nay và tiềm năng phát triển; xác định được những hạng mục hạ tầng dịch vụ còn thiếu để tiến hành mời gọi đầu tư xã hội hóa nhằm hoàn thiện sản phẩm dịch vụ du lịch cho TP.Tân Uyên”, ông Nguyễn Tường Huy nói. 

Tham mưu định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho TP.Tân Uyên, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra các loại hình như: Du lịch cộng đồng sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dã ngoại, thể thao, giải trí; du lịch học tập trải nghiệm. Các chuyên gia đề xuất TP.Tân Uyên cần tận dụng tốt ưu thế tiếp giáp sông Đồng Nai, với tiềm năng là các Khu di tích lịch sử văn hóa cù lao Rùa, Khu di tích Vĩnh Lợi, các cơ sở sản xuất gốm sứ, mây tre lá, cùng với nhà vườn sinh thái tại 2 cù lao Bạch Đằng và Thạnh Hội…

 Khách tham quan thắp hương tại Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi

 Trước đó, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 4352/KH-UBND về phát triển các tuyến và phát triển du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để TP.Tân Uyên xây dựng sản phẩm đường sông kết nối với tuyến sản phẩm du lịch đường sông từ TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. 

Đồng thời, TP.Tân Uyên đang có kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở dịch vụ phục vụ cho sản phẩm du lịch đường sông, nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương. Thành phố cũng vừa tổ chức hội thảo quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch thành phố năm 2024. Hội thảo nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; khai thác các thế mạnh trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu trên địa bàn thành phố. 

Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu thu hút 205.700 lượt khách tham quan và lưu trú, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy các ngành liên quan phát triển. Ông Đoàn Hồng Tươi cho biết Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xây dựng trên cơ sở đánh giá toàn diện điều kiện, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương, phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tổng thể phát triển của tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới thành phố tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và các dịch vụ du lịch. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, lan tỏa hình ảnh TP.Tân Uyên văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tân Uyên được chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Thành phố phấn đấu năm 2025 thu hút khoảng 145.700 lượt khách tham quan, lưu trú; đến năm 2030 thu hút khoảng 205.700 lượt khách tham quan và lưu trú.

 NGỌC THANH - VĂN DŨNG