Hướng đến trở thành thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Bắt nhịp với xu thế ấy, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nói chung và các trường đại học (ĐH) đã và đang đổi mới nội dung, chương trình GD-ĐT, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Cùng với đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh (HS) trong giai đoạn xây dựng TPTM cũng được ngành tính đến.
Định hướng nghề nghiệp sát với thực tế
Định hướng cho HS lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, nhất là trong giai đoạn tỉnh đang xây dựng TPTM là việc làm cần thiết ở các nhà trường. Để định hướng cho HS chọn ngành phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội thì vai trò của giáo viên làm công tác hướng nghiệp hết sức quan trọng. Nhằm nâng cao công tác hướng nghiệp cho HS trong trường học, mới đây Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hướng nghiệp cho cán bộ, giáo viên làm công tác này tại nhà trường. Thầy Ngô Hiếu, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Ơn (TX. Thuận An), cho biết: “Hiện tại mỗi tháng HS được học 1 tiết hướng nghiệp theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Nay trước xu thế phát triển của tỉnh và qua tham dự lớp bồi dưỡng này, cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp có thêm được nhiều thông tin để định hướng nghề nghiệp cho HS phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng TPTM Bình Dương”.
Cán bộ tư vấn trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một)
Ông Phan Thanh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng nhiệm vụ của sở là phối hợp cùng các ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung tham mưu xây dựng từ 2 - 3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế. Hỗ trợ các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường nghề tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp công nghệ tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh hoạt động tốt hơn. Theo kế hoạch, sở còn tổ chức các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho HS, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp. Hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn.
Các trường sớm chuyển hướng
Xác định tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho HS trong giai đoạn tỉnh xây dựng TPTM, các trường THPT đã sớm chuyển hướng tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS. Với trường THPT Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên), đầu năm nay nhà trường đã tổ chức chương trình hướng nghiệp có nội dung “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo Ban giám hiệu nhà trường, qua tư vấn, các em được chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn, định hướng nghề nghiệp cho HS trước xu thế hội nhập toàn cầu. Cũng từ đây, các em sẽ chủ động hoàn thiện bản thân, từ việc trau dồi ngoại ngữ, trang bị các kỹ năng mềm, nâng cao năng lực tiếp cận và vận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong giai đoạn tỉnh tiến đến TPTM.
Có thể thấy, năm nay các trường khởi động hướng nghiệp khá sớm so với các năm và chủ đề tư vấn cũng phù hợp với xu thế phát triển. “Hiểu mình, hiểu nghề, sáng tương lai”, đó chính là thông điệp mà các trường THPT muốn gửi gắm đến HS lớp 12 trước khi các em bước vào đời. “Sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, là nội dung tư vấn cho HS do trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) phối hợp với các trường ĐH trong và ngoài tỉnh vừa tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua. Tại chương trình, các em được gặp gỡ những chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, từ đó giúp HS có định hướng ban đầu trong việc chọn nghề và hoạch định mục tiêu sau khi tốt nghiệp, sẵn sàng hành trang để hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng với các trường THPT, các trường ĐH cũng thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp cho HS, sinh viên. Với trường ĐH Bình Dương, ngoài tư vấn cho HS lớp 12, nhà trường còn tổ chức tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đang học tại trường. Các em được giao lưu trực tiếp với các diễn giả là giám đốc doanh nghiệp để được nghe giới thiệu và định hướng con đường phát triển nghề nghiệp, chia sẻ những công việc thực tế. Mỗi trường một cách làm, với trường ĐH Thủ Dầu Một, trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng cho sinh viên, mới nhất là tập huấn kỹ năng học nhanh, nhớ nhanh, cách thức xây dựng thương hiệu bản thân. Thạc sĩ Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm thị trường lao động và khởi nghiệp, cho biết trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty có uy tín để tổ chức các khóa kỹ năng thực tế theo chương trình đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H.THÁI