Hương xuân ở những làng nghề…
Dưới cái nắng dìu dịu và khí trời trong mát cuối đông, chúng tôi đến thăm làng hoa ở thị trấn Thái Hòa. Trên khắp nẻo đường của khu phố Tân Ba và khu phố Ba Đình, nơi nào cũng một màu xanh của hoa. Hoa cúc, vạn thọ, bông bụt, lay ơn, cát tường, ly, hồng tỷ muội, hồng nhung, hồng lửa… là những thế mạnh của làng hoa nơi đây đang rung rinh khoe nụ. Có đến thăm các vườn hoa của bà con mới thấu hiểu sự công phu, cần mẫn của người trồng hoa. Để có những vườn hoa làm đẹp lòng người muôn xứ, người trồng hoa cần mẫn làm đất, chăm sóc từng chậu, từng luống, rồi tưới tắm để hàng triệu bông hoa sinh sôi, khoe sắc. Nông dân làng hoa Thái Hòa chuẩn bị phục vụ tết
Phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thái Hòa, cho biết: “Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa của thị trấn lên đến 7 ha. Riêng ở 2 khu phố Ba Đình và Tân Ba nhà nào cũng trồng hoa. Bình quân mỗi hộ thu được khoảng từ 30 - 40 triệu đồng tiền bán hoa tết, có những hộ trồng hoa và làm cơ sở bán hoa lớn thu về gần 100 triệu đồng/vụ. Nhờ trồng hoa tết, nhà nào cũng lo đủ một cái tết ấm cúng và sung túc”.
Bà Phạm Phú Lữ, một trong những chủ nhà vườn chuyên bán các loại hoa phục vụ dịp tết với số lượng lớn cho biết: “Cứ đến những ngày giáp tết, người dân làng hoa chúng tôi ai cũng nôn nao, vui mừng, gửi gắm tình yêu hoa, yêu nghề vào những chuyến xe chở hoa đi xa. Để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường hoa ngày tết, năm nay tôi đã chuẩn bị trên 5.000 chậu hoa lớn nhỏ, có giá từ 35.000 đồng/cặp đến 500.000 đồng/cặp tùy loại. Ước tính vụ hoa năm nay gia đình tôi thu được khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán hoa”.
Những ngày giáp tết, xe tải, xe con chở đầy hoa nhộn nhịp trên những con đường. Dưới những ruộng hoa nông dân tất bật thu hoạch, người mua hoa nườm nượp kéo đến, đông vui, rộn ràng không thua gì chợ hoa trên phố.
Mứt thêm vị ngọt
Rời làng hoa, chúng tôi đến thăm làng mứt Bình Nhâm (TX.Thuận An), nơi sản xuất đa dạng các loại mứt với đủ các hương vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt, thích hợp cho khẩu vị ngày tết như mứt dừa, chùm ruột, bí đỏ, sơ ri, gừng… Những ngày này, người thợ làm mứt Bình Nhâm đang tất bật với công việc để cho ra lò những mẻ mứt thơm ngon phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Người dân địa phương tự hào kể rằng nghề làm mứt ở Bình Nhâm có từ rất lâu rồi. Do đây là vùng trái ngọt cây lành, vào mùa xuân, tiết trời ôn hòa, củ, quả chín đầy vườn ăn không hết nên tổ nghề mới nghĩ ra cách nhào nguyên liệu với đường cát trắng trên bếp lửa được đốt bằng những nhánh cây khô trong vườn đặng giữ được lâu. Tuy là món ăn chơi trong 3 ngày tết nhưng phải là người khéo tay mới biết cách làm ra miếng mứt thơm ngon, đậm đà hương sắc. Hiện nay, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, Bình Nhâm có khoảng 50 hộ làm mứt cung ứng cho người tiêu dùng ước chừng vài chục tấn mứt các loại. Hộ làm nhiều nhất cũng 5 - 7 tấn, hộ làm ít nhất cũng vài trăm ký mứt. Nhiều nhất là mứt gừng, trung bình mỗi gia đình làm mứt ở Bình Nhâm mỗi mùa cho ra lò từ 600 - 700kg mứt gừng.
Ghé thăm ấp Bình Hòa (xã Bình Nhâm) vào những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là đâu đâu cũng có mùi gừng tươi cay cay nơi sống mũi, quyện lẫn vị ngọt của đường trắng đang được người làm mứt sên trên bếp lửa hồng và đóng gói đưa ra thị trường phục vụ tết. Bà Nguyễn Thị Lan, 57 tuổi, ngụ khu B, ấp Bình Hòa, là người làm mứt gừng truyền thống lâu năm ở Bình Nhâm cho biết: “Cứ bước vào tháng 8 âm lịch hàng năm là người dân làng nghề chúng tôi đã bắt tay vào làm mứt gừng. Củ gừng được chọn làm mứt vào thời điểm này sẽ không có xơ mà lại dẻo.
Củ gừng tươi mua về đến khi thành sản phẩm mứt gừng thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Củ gừng sau khi lựa chọn kỹ, được mang cạo bỏ vỏ rồi ngâm qua nước muối một đêm. Sau đó, gừng được rửa sạch rồi xếp lên vỉ xăm, tiếp đóđược đem ngâm với nước chanh và phơi nắng cho trắng. Sau giai đoạn này, gừng được luộc cho bớt mùi cay nồng, rồi mới đến giai đoạn ướp đường cho thấm rồi đem sên trên bếp lửa hồng, cho ra sản phẩm mứt gừng”. “Mứt gừng Bình Nhâm vốn nổi tiếng từ bao đời nay.
Hương vị mứt gừng nơi đây có sự khác biệt so với sản phẩm mứt gừng các vùng khác bởi được làm với một bí quyết riêng nên ít cay, miếng mứt vừa trắng, vừa dẻo, có thể để cả năm mà mùi vị vẫn không thay đổi. Sản phẩm mứt gừng Bình Nhâm đi xa khắp nơi trong nước. Bình quân mỗi hộ làm mứt nơi đây thu lời khoảng 30 - 40 triệu đồng/ vụ mứt tết. Người dân Bình Nhâm không chỉ có vị ngọt của mứt gừng mà còn có cả vị “ngọt” no đủ, sung túc nhờ nghề làm mứt gừng...”, ông Phạm Phú Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm chia sẻ.
Đến Bình Nhâm những ngày này dễ dàng nhìn thấy hình ảnh trẻ con, người già, tất cả đều xắn tay vào cùng làm mứt và đóng gói sản phẩm. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới rộn ràng, nhộn nhịp. Hương thơm của gừng, vị ngọt của đường nóng chảy hòa quyện vào không khí lan tỏa trên mỗi nẻo đường. Xuân chưa đến, nhưng không khí của ngày tết đã tràn ngập trong những ngôi nhà, những gian bếp, trên những gương mặt vui tươi, hồ hởi của người dân Bình Nhâm.
PHƯƠNG AN