Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, Bình Dương đã bắt tay khôi phục lại nền kinh tế, chú trọng xây dựng, phát triển nhà ở xã hội để công nhân, lao động xa quê an tâm gắn bó. Trong đó, việc huy động nguồn lực doanh nghiệp (DN) để chăm lo cho đời sống người lao động (NLĐ) cũng là giải pháp được đặt ra.
Khu nhà ở xã hội Định Hòa do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng
Gắn kết NLĐ
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tỉnh cần có thêm khoảng 300.000 căn hộ theo mô hình nhà ở xã hội (NƠXH) để đáp ứng nhu cầu. Thời gian qua, để giải quyết vấn đề an cư cho số đông người dân chưa có nhà ở và ổn định lao động, Bình Dương đã đầu tư xây dựng hàng trăm ngàn căn NƠXH. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế. Mục tiêu của Bình Dương đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển thêm 1 triệu căn nhằm giải quyết chỗ ở cho công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn. Bình Dương cũng đã kiến nghị Chính phủ cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương để cùng các nguồn vốn hợp pháp khác triển khai thực hiện kế hoạch.
Về vấn đề này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương nêu rõ, sau dịch bệnh, muốn giữ chân lao động là tạo ra một sự gắn kết. Lao động xa quê xem Bình Dương thực sự là quê hương thứ 2 chứ không phải là nơi đến rồi về. Muốn làm được điều này cần có giải pháp để công nhân lao động được mua nhà ở tại Bình Dương. Tỉnh cần có một cơ chế để doanh nghiệp (DN) có thể thực hiện được việc xây nhà ở cho NLĐ. Nếu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai, tin tưởng rằng các DN cũng rất nỗ lực để bảo đảm đời sống cho NLĐ.
Tuy nhiên, ông Võ Hoàng Ngân cho biết thêm, những khó khăn hạn chế trong phát triển NƠXH trên địa bàn. Hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng, nhất là nhu cầu về nhà ở giá thấp nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được, đặc biệt là loại hình nhà ở cho thuê. Công tác quy hoạch, triển khai đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ với công tác quy hoạch, đầu tư NƠXH. Tiến độ triển khai dự án NƠXH (thuộc quỹ đất 20%) trong các dự án nhà ở thương mại còn chậm, do còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án NƠXH đã được quy định chưa thực sự thu hút nhà đầu tư quan tâm...
Nhiều DN sẵn sàng
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, hỗ trợ kịp thời cho NLĐ khó khăn là vấn đề luôn được tỉnh đặt ra trong và sau dịch bệnh. Các địa phương như TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TX.Tân Uyên là nơi tập trung nhiều công nhân lao động. Tuy nhiên, ở đó lại rất ít NƠXH. Tới đây địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng thêm hàng loạt dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp. “Bình Dương sẽ tạo mọi điều kiện về đất đai, vị trí để các đơn vị, DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Văn Lợi nói.
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH PanKo ViNa (TX. Bến Cát) mới đây, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề xuất nên chuyển đổi phần đất của công ty trước đây định xây khách sạn sang loại hình nhà ở cho NLĐ theo hình thức cho thuê. Với số lượng hơn 7.000 lao động, công ty cần có chính sách nhà ở tốt để giữ chân lao động, bảo đảm sản xuất trong tình hình hiện nay. Ban Quản lý Các khu công nghiệp, các ngành chức năng sẽ nỗ lực hỗ trợ DN để thực hiện dự án này. Ông Choi Young Joo, Tổng Giám đốc Công ty PanKo ViNa cho biết sẽ báo về hội đồng quản trị và mong muốn được hỗ trợ của tỉnh nếu triển khai xây dựng.
Tại TX.Tân Uyên, trong buổi gặp gỡ với chính quyền địa phương sau dịch bệnh, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt cho rằng với một ngành thâm dụng lao động cao, cần xây dựng nhà ở cho công nhân lao động để họ gắn bó với công ty dài lâu. Nhưng hiện nay vấn đề mà các DN đang gặp phải là quỹ đất và thủ tục thực hiện việc đầu tư. Mong muốn địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các DN có thể đầu tư được các khu nhà ở cho công nhân.
TIỂU MY