Huy động tốt nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 03-01-2017 | 08:51:56

Sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, với sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, phong trào thi đua đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, xã Hiếu Liêm đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí, 39/39 chỉ tiêu nông thôn mới (NTM).

Dân ủng hộ mới sớm thành công

Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết, điểm thuận lợi trong quá trình xây dựng NTM ở xã là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nhờ đó, việc xã hội hóa nguồn vốn thực hiện các tiêu chí NTM của xã gặp nhiều thuận lợi, người dân đồng thuận góp sức, góp của cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.

Để phong trào xây dựng NTM đạt kết quả tốt, xã Hiếu Liêm đã huy động nguồn vốn và lồng ghép cho xây dựng NTM được hơn 207 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp từ người dân hơn 75 tỷ đồng. Xã đã thực hiện nâng cấp, sửa chữa, dặm vá 13 tuyến đường giao thông nông thôn. Đối với các tuyến đường ngõ hẻm vào xóm, khu dân cư, địa phương đã vận động người dân đóng góp được hơn 95 triệu đồng và 115 ngày công để hoàn thiện một số tuyến đường giúp việc đi lại của bà con thuận tiện hơn. Điều đáng mừng là khi địa phương có cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, người dân trong từng ấp đã họp bàn, tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông. Đến nay, đa số các tuyến đường giao thông nông thôn của xã Hiếu Liêm đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Người dân trong xã rất phấn khởi vì giờ đây đã không còn cảnh lầy lội mỗi khi trời mưa hay nắng bụi như trước.

Từ việc phát triển cây ăn trái có múi đã giúp nông dân xã Hiếu Liêm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Anh Trần Đức Việt, ở ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm bên vườn quýt của gia đình Ảnh: QUỲNH NHIÊN 

Về xã Hiếu Liêm hôm nay, xen lẫn những cánh rừng cao su trước đây là những vườn cam, quýt, bưởi tươi tốt. Với gần 900 ha cây ăn trái có múi được quy hoạch thành vùng, cùng với quá trình vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị thấp sang cây có giá trị cao của xã đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 44,7 triệu đồng. Các mô hình trồng cây ăn trái có múi đã khẳng định được hiệu quả, cụ thể bưởi cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/ năm; quýt 800 triệu đồng/ha; cam trên 1 tỷ đồng/ha.

Vì lợi ích của người dân

Xác định thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, khi bắt tay xây dựng NTM, lãnh đạo xã Hiếu Liêm đã có định hướng và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, hiệu quả; cùng với đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm cho biết, trên địa bàn xã hiện có 50 trang trại, bao gồm 11 trang trại chăn nuôi, 39 trang trại trồng trọt. 100% trang trại trồng cây ăn trái trên địa bàn xã đều sử dụng hệ thống tưới phun tự động, sử dụng bạt phủ để xử lý cho ra trái nghịch vụ và sử dụng phân bón sinh học, xử lý thuốc hợp lý, đúng quy định. Để đạt được hiệu quả cao từ mô hình trồng cây có múi, các chủ trang trại, nông dân trong xã đã chú trọng đầu tư và ứng dụng triệt để những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Hiện trên địa bàn xã có 4 trang trại trồng cây có múi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Có thể nói, vườn cây ăn trái có múi đã mang đến cho nông dân xã Hiếu Liêm cơ hội vươn lên khá giàu. Đến nay, toàn xã Hiếu Liêm còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,92% và 11 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,46%. Chỉ tay về phía vườn quýt của gia đình, anh Trần Đức Việt, ở ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm phấn khởi nói: “Tôi may mắn là một trong những hộ dân được chọn để triển khai thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi của tỉnh. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% chi phí giống, 50% chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, tôi đã đầu tư và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thiết kế hệ thống tưới tự động kết hợp xử lý ra hoa trái vụ. Theo tính toán, đến năm thứ 3 thực hiện dự án, mỗi ha sẽ cho tôi lãi từ 100 - 200 triệu đồng; từ năm thứ 4 trở đi, nếu đầu tư và chăm sóc tốt có thể đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ha”.

Nhìn lại quá trình phấn đấu và đạt được kết quả như ngày hôm nay, ông Quý chia sẻ, ngay từ đầu xã đã xác định mục tiêu xây dựng NTM là vì lợi ích của người dân. Do đó, điều cần làm đầu tiên là tuyên truyền, vận động người dân, giúp họ nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng NTM và chính họ đóng vai trò chủ thể thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Chương trình xây dựng NTM đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong dân, được người dân trong xã hưởng ứng tích cực. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong xã. Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM ngày càng vững chắc, bền vững hơn”, ông Quý nói.

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên