Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp quyết tâm ổn định thị trường ngoại hối, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phù hợp cung cầu thị trường. Về chính sách lãi suất, NHNN cũng giữ khoảng cách giữa mức lãi suất VNĐ và ngoại tệ ở mức hợp lý. Quyết tâm này đã được NHNN thực hiện khá hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2013, khiến xu hướng nắm giữ USD, đầu tư ngoại tệ dưới dạng tiết kiệm của dân cư giảm mạnh.
Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh Bình Dương cho thấy, huy động giữa VNĐ và ngoại tệ trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 6 đã có sự chênh lệch rõ nét. Tổng nguồn vốn huy động đạt 76.838 tỷ đồng, tăng 13,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là huy động bằng VNĐ đạt 70.330 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,53% trên tổng nguồn huy động, tăng 6,74% so với đầu năm và tăng 16,78% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, huy động bằng ngoại tệ chỉ đạt 6.508 tỷ đồng, chiếm 8,47% trên tổng nguồn huy động, giảm 12,07% so với đầu năm và giảm 12,61% so với cùng kỳ năm trước. Riêng về tín dụng đối với nền kinh tế, tổng dư nợ đạt 59.395 tỷ đồng. Trong khi đó, dù dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) tuy thấp rất nhiều so với cho vay VND, nhưng vẫn còn chiếm 23,25% trên tổng dư nợ (đạt 13.812 tỷ đồng), tăng 3,12% so với đầu năm và tăng 11,41% so với cùng kỳ năm 2012.
Thông tư 37 (quy định mới về cho vay ngoại tệ) nằm trong lộ trình cắt giảm quan hệ từ cho vay ngoại tệ sang mua, bán ngoại tệ. Trong ảnh: Kiểm đếm USD tại Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Bình Dương (ảnh chỉ có tính minh họa)
Nhìn lại diễn biến cung cầu thị trường ngoại hối từ 2 tháng qua có những xáo trộn nhỏ. Tỷ giá ngoại tệ bắt đầu có biến động tăng mạnh từ tháng 5 và trong suốt tháng 6. Vào thời điểm cuối tháng 6, NHNN niêm yết giá bán USD ở mức 21.026 VNĐ/USD, đây là mức kịch trần biên độ 1% so với mức 20.828 VNĐ/USD từ nhiều tháng trước đó. Theo xu hướng này, tỷ giá giao dịch ở các NHTM cũng được điều chỉnh tăng ở mức 21.036 VNĐ/ USD (giá bán). Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD cũng liên tục tăng, phổ biến ở mức 21.350 - 21.400 VNĐ/ USD (mua vào - bán ra).
Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, việc NHNN điều chỉnh nâng tỷ giá cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ cao hơn khi các ngân hàng giữ trạng thái âm ngoại tệ. Chính vì vậy, vào giai đoạn này, các NHTM luôn cố gắng duy trì trạng thái dương ngoại tệ, yếu tố này khiến mức chênh lệch giữa giá mua - bán ngoại tệ được các ngân hàng thu hẹp và cũng khiến thị trường ngoại tệ có những biến động nhất định. Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương Trần Ngọc Linh cho biết, tỷ giá tăng một phần do lo ngại tình trạng hụt nguồn ngoại tệ đã khiến nhiều NHTM đua nhau đẩy tỷ giá lên cao để thu hút ngoại tệ. Tuy sức nóng của việc tăng giá VND/USD trong thời gian qua chỉ mang tính thời điểm do sự mất cân bằng cung - cầu USD cục bộ. Nhưng với sự việc mang tính hệ thống, NHNN cần nhìn nhận và có sự điều tiết ngay trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng hệ thống các NHTM có những động thái điều chỉnh tỷ giá quá chênh lệch để “lôi kéo” khách hàng, ông Trần Ngọc Linh kiến nghị.
Về nguyên nhân khiến xu hướng đô-la hóa trong nền kinh tế có xu hướng giảm, NHNN Chi nhánh Bình Dương cho biết, sở dĩ huy động ngoại tệ giảm, do NHNN đã triển khai các giải pháp ổn định mục tiêu kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, là quyết tâm ổn định thị trường ngoại hối thể hiện qua các thông tư về quản lý cho vay và chế tài đối với giao dịch tỷ giá hối đoái trái quy định, đồng thời giữ tỷ giá điều chỉnh không quá 1%. Hiệu ứng này đã góp phần củng cố niềm tin của người dân nên phần nào đã kích thích người dân có xu hướng nắm giữ VNĐ, người có tiền gửi ngoại tệ đã chuyển qua bán ngoại tệ cho NHTM để gửi tiết kiệm VNĐ với lãi suất cao hơn. NHNN Chi nhánh Bình Dương cũng cho rằng, diễn biến này đã và đang đi đúng định hướng điều hành mà Chính phủ, NHNN đã đề ra.
Quy định mới về phát hành trái phiếu quốc tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Theo quy định mới, hồ sơ đề nghị xác định hạn mức phát hành sẽ phải có thêm phương án phát hành trái phiếu quốc tế đã được phê duyệt và văn bản phê duyệt phương án của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xác nhận hạn mức phát hành của NHNN cho doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (quy định trước đây là 15 ngày làm việc).
Cũng theo Thông tư 17, Bộ Tài chính sẽ không còn tham gia vào việc xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế cũng như chế độ báo cáo sau phát hành của doanh nghiệp. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 19/2011/TT-NHNN và có hiệu lực từ ngày 1-9-2013.
THANH HỒNG