Phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững là mục tiêu huyện Bắc Tân Uyên đã và đang nỗ lực thực hiện, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng thành công thương hiệu trái cây có múi của địa phương. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại HTX Cây ăn trái Tân Mỹ
Xanh hóa nông thôn
Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thời gian qua nhiều hợp tác xã (HTX), hộ nông dân ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện theo hướng này. HTX Cây ăn trái Tân Mỹ là đơn vị điển hình. Được thành lập năm 2015, đến nay HTX có 22 thành viên, tổng diện tích canh tác là 62 ha.
HTX chuyên trồng cây ăn trái an toàn theo hướng hữu cơ và áp dụng VietGAP, với các sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, muối tiêu lốp. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn trái Tân Mỹ, cho biết HTX sản xuất công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước an toàn. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư bài bản từ hạ tầng canh tác đến kỹ thuật sản xuất.
Các thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tự động hóa để giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, chế biến. HTX cũng xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử mã code QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của HTX được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm bưởi da xanh của HTX đạt OCOP 4 sao.
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm bưởi của HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore. Hiện nay, mô hình trồng cây có múi đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, như vùng chuyên canh cây cao su với diện tích 20.433 ha; vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích 2.961 ha, tập trung ở địa bàn các xã ven sông Đồng Nai và sông Bé. Các vùng chuyên canh, chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu bình quân của các trang trại trên địa bàn huyện đạt từ 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm.
Chuyển đổi đồng bộ
Để xây dựng thành công thương hiệu trái cây có múi Bắc Tân Uyên như hiện nay, từ năm 2021 huyện đã huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Cụ thể, huyện đã đầu tư xây dựng, vận hành 328 công trình điện; kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu trên 70km.
Cùng với đó, huyện tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân. Các ngành chức năng của địa phương cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN), HTX, trang trại, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại...
Trong thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng xanh trên các lĩnh vực tiếp tục được huyện Bắc Tân Uyên tập trung thực hiện. Ông Nguyễn Thành Thường, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết đối với lĩnh vực công nghiệp, huyện sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp công nghệ cao; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; thúc đẩy DN chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh sang ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ, các cơ sở kinh doanh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các DN thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch… Huyện Bắc Tân Uyên hướng tới xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống, tạo nền tảng, điều kiện cần thiết để phát triển theo hướng bền vững, trở thành đô thị xanh, hiện đại, văn minh.
THANH HỒNG