Huyện Bắc Tân Uyên: Kinh tế tập thể khởi sắc

Cập nhật: 14-09-2022 | 08:49:53

Những năm qua, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) tại huyện Bắc Tân Uyên thu hút nhiều hộ nông dân tham gia, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Để đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động huyện đã chú trọng nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện thức tế và thế mạnh của địa phương.

 Hợp tác xã Đồng Thuận Phát, xã Thường Tân hoạt động hiệu quả, liên kết tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân. Trong ảnh: Thành viên hợp tác xã chăm sóc vườn cây

 Nhiều mô hình hiệu quả

Huyện Bắc Tân Uyên hiện có 27 tổ hợp tác (THT) và 26 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và lợi ích của các mô hình kinh tế hợp tác đối với từng địa phương, huyện tập trung xây dựng những mô hình thật sự nổi trội để phát triển bền vững.

Là nòng cốt của KTTT, các HTX trên địa bàn huyện với hình thức đa dạng, ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Điển hình hoạt động hiệu quả phải kể tới các HTX: Nhân Đức (xã Hiếu Liêm), Tân Mỹ (xã Tân Mỹ), Nhật Hưng và Toàn Lực (thị trấn Tân Bình)... Các HTX này đã phát huy tốt khả năng liên kết, tiêu thụ sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

HTX cây ăn trái Tân Mỹ hoạt động từ năm 2015, là một trong những điển hình về sản xuất nông nghiệp để nhân rộng. Với thị trường đầu ra ổn định qua việc liên kết tiêu thụ với kênh siêu thị Co.opmart, HTX đã tạo việc làm cho 36 lao động với thu nhập bình quân 90 triệu đồng/người/ năm, đem lại thu nhập ổn định cho 22 xã viên. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, HTX Thép Toàn Lực cũng là đơn vị hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp trong nhiều năm qua, được Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển KTTT huyện đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư khen thưởng.

Các HTX, THT hoạt động hiệu quả còn có vai trò quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. THT nuôi gà thả vườn tại ấp Suối Sâu (xã Đất Cuốc) được thành lập từ tháng 11-2019, hiện nay với 5 thành viên, trung bình lợi nhuận mỗi năm đạt hơn 500 triệu đồng, thu nhập của các thành viên đạt 90 - 96 triệu đồng/năm. Anh Đặng Phước Xuyên, Tổ trưởng THT, cho biết: “THT được thành lập dựa trên cơ sở tự góp vốn để xây dựng chuồng trại, chia sẻ với nhau về kỹ thuật, con giống, thị trường tiêu thụ, chủ yếu là kinh doanh giống gà nòi Bến Tre và Bình Định. Các thành viên luôn chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh, bảo đảm yếu tố vệ sinh chuồng trại để gà phát triển tốt”. Tương tự THT nấu ăn đãi tiệc Hồng Việt với 5 tổ viên cũng cho doanh thu mỗi tháng 300 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/tháng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Chú trọng chất lượng

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển KTTT huyện, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2022, KTTT trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trìhoạt động ổn định. Theo đó số lượng THT, HTX thành lập mới đạt kế hoạch và doanh thu có chiều hướng gia tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, người lao động.

Nhằm hỗ trợ các HTX, THT hoạt động sản xuất ngày càng hiệu quả, trong chiến lược phát triển KTTT ở những giai đoạn tiếp theo, huyện chú trọng triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách, đặc biệt phát triển HTX gắn với chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Việc tham gia chương trình OCOP sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất của thành viên, hướng HTX đến quy mô sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm. Một số HTX đã tích cực tham gia phân hạng và đánh giá theo tiêu chí từ chương trình và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Năm 2021, huyện có 5 HTX được tỉnh công nhận có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Đại diện các đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến, cho rằng: “Các sản phẩm của HTX tham gia và đạt tiêu chuẩn OCOP là cơ hội để sản phẩm vươn xa hơn nữa, khẳng định uy tín trên thị trường. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như thúc đẩy thị trường, các HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với định hướng phát triển dịch vụ. HTX Dân Tiến và HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát đã ký kết hợp đồng liên kết để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm bưởi da xanh”.

Được thiên nhiên ưu ái và nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh để phát triển vùng cây ăn trái có múi, huyện Bắc Tân Uyên đã và đang phát huy lợi thế địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững. Nhiều HTX đã và đang hoạt động hiệu quả theo quy hoạch vùng sản xuất, dựa trên các sản phẩm chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. HTX cũng là nhân tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm OCOP giúp thương hiệu cam, quýt, bưởi Bắc Tân Uyên chắp cánh bay xa. Sự nỗ lực của các chủ thể tham gia mô hình KTTT cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ giúp bức tranh KTTT ngày càng khởi sắc và hoàn thiện hơn.

 Trong thời gian tới, huyện Bắc Tân Uyên chú trọng các giải pháp phát triển bền vững, tập trung trong việc hướng dẫn thành lập và duy trì các HTX kiểu mới; hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời chú trọng xây dựng các mô hình liên kết chuỗi, phát triển ngành nghề gắn với thực hiện chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững.

 TIẾN HẠNH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=453
Quay lên trên