Huyện Bắc Tân Uyên: Nỗ lực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 22-05-2024 | 09:21:34

Hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã và đang trở thành thói quen của người dân, không chỉ ở những thành phố lớn mà cả những vùng nông thôn. Huyện Bắc Tân Uyên đang tích cực triển khai hình thức thanh toán mới này nhằm tiến tới tiêu dùng văn minh, tiện lợi.

 Huyện Bắc Tân Uyên nỗ lực tăng tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, giao dịch. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán qua app tại cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh, thị trấn Tân Thành

 Làm quen với hình thức mới

Chị Nguyễn Thị Kim Chung, chủ một tiệm tạp hóa tại chợ Tân Thành, thị trấn Tân Thành, cho biết được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tình của nhân viên ngân hàng, hiện nay chị đã được trang bị mã QR, sử dụng thành thạo các giao dịch chuyển, nhận tiền và hướng dẫn cho bạn hàng, người mua hàng cùng sử dụng an toàn, nhanh chóng.

Tương tự, buôn bán nhỏ lẻ tại nhà đã hơn chục năm, bà Trần Thị Năm, ở xã Tân Lập mới có hơn một tuần làm quen với hình thức TTKDTM. Dù còn những bỡ ngỡ, nhưng bà rất hào hứng với phương thức thanh toán này. Bà Năm nói mới tiếp cận nhưng dễ thực hiện, tiện lợi.

Bà Trần Thị Mỹ Xuyên, khách mua hàng tại chợ Tân Thành, chia sẻ có tài khoản ngân hàng đã lâu nhưng mới sử dụng dịch vụ thanh toán này được 3 tháng nay, cũng quen dần. “Tôi thấy việc ứng dụng thanh toán trực tuyến đem lại rất nhiều tiện ích. Cả người mua và người bán đều không cần mang theo tiền mặt, mọi giao dịch đều được thực hiện hết sức nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, an toàn, chính xác”, bà Trần Thị Mỹ Xuyên nhìn nhận.

Huyện Bắc tân Uyên hiện có 7 chợ, 7 cửa hàng tiện lợi cùng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hoạt động ổn định. Thời gian gần đây, tại các chợ, việc mua bán, thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng mới. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ đăng ký và sử dụng mã QR, ví điện tử VN Pay, MoMo, Zalo Pay, Viettel Money, VCB Pay… để chuyển khoản. Người mua hàng cũng đã hình thành thói quen trả tiền mua hàng qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Tăng tỷ lệ trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Tuy việc TTKDTM tiện lợi, an toàn và hiệu quả nhưng thực tế tỷ lệ người dân biết và sử dụng tại huyện Bắc Tân Uyên còn khá khiêm tốn. Chị Nguyễn Thị Kim Chung cho biết người dân khu vực nông thôn vẫn chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt. Tại cửa hàng tạp hóa của chị, tỷ lệ người mua biết đến hình thức TTKDTM vào khoảng 40 - 50%. Vì vậy, chị luôn chuẩn bị tiền lẻ, sẵn sàng hai hình thức thanh toán để phục vụ khách mua hàng.

Không chỉ tại thị trấn Tân Thành, các khu vực xa trung tâm huyện, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc TTKDTM lại càng khó khăn hơn đối với người cao tuổi. Bà Đặng Thị Thanh, 64 tuổi, ở ấp 4, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết mặc dù có nhận lương qua tài khoản ngân hàng nhưng đến nay bà chưa biết sử dụng các ứng dụng TTKDTM và phải nhờ đến con cháu rút tiền mặt để tiêu dùng. Theo bà Thanh, việc phải cầm một chiếc thẻ từ hoặc phải làm quen với công nghệ hiện đại trong giao dịch, thanh toán với những người cao tuổi là rất khó khăn. Vì vậy, bà vẫn quen sử dụng tiền mặt khi giao dịch, mua bán.

Có thể thấy, việc giữ thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Thậm chí, nhiều lao động trẻ đang làm việc trong các công ty dù được trả tiền lương vào tài khoản nhưng phần lớn chủ thẻ vẫn rút hết tiền mặt để chi tiêu hàng ngày bởi thói quen. Người dùng có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ.

Chính vì vậy, để hạn chế dần thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân nhằm thúc đẩy hoạt động TTKDTM trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, thời gian qua, các ban, ngành huyện đã triển khai chính sách khuyến khích người dân thực hiện thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế, giao dịch thương mại điện tử, phí, lệ phí thủ tục hành chính; thanh toán cước phí cho các dịch vụ thường xuyên như điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp... Đặc biệt, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xãđã triển khai dịch vụ TTKDTM theo hình thức quét mã QRcode để phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện cũng đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thanh toán ở trung tâm các xã, thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về các hình thức thanh toán, đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân khu vực nông thôn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã chủ động phát triển thêm tài khoản thẻ, phối hợp với các ngành điện, bảo hiểm, các trường học, các cửa hàng, siêu thị… đưa hình thức thanh toán qua mã QRcode, máy POS vào giao dịch, từng bước giúp khách hàng tiếp cận, làm quen với thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt.

 Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trong tháng 6 tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử. Trong đó, Phòng Kinh tế huyện chủ trì, phối hợp với UBND 10 xã, thị trấn, các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai. Mục tiêu là từng hộ gia đình, từng cá nhân, các cơ sở thương mại - dịch vụ phải có tài khoản dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh vngười mua hng tại các chợ trên địa bàn huyện thực hiện TTKDTM, nhằm thúc đẩy nhanh và mở rộng hơn độ bao phủ tỷ lệ người dân sử dụng.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=163
Quay lên trên