Thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 là phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh Bình Dương, trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, huyện Bàu Bàng đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách ưu đãi để mời gọi đầu tư.
Tập trung xây dựng hạ tầng
Huyện Bàu Bàng nằm ở phía bắc của tỉnh, có trục lộ giao thông quan trọng của tỉnh và khu vực (quốc lộ 13) đi qua, nối liền với huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và có quỹ đất dồi dào. Đây là thế mạnh để Bàu Bàng phát triển công nghiệp và đô thị.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, qua việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, trong đó tỉnh chú trọng mở rộng phát triển công nghiệp về phía bắc, huyện đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bàu Bàng đến năm 2025. Trong đó, huyện tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng, chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư tại KCN phụ trợ rộng 300 ha khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.
KCN và Đô thị Bàu Bàng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: H.PHẠM
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Bàu Bàng phối hợp với Công ty Cổphần Nước ThủDầu Một đã khởi công xây dựng nhà máy nước Bàu Bàng (tại KCN Bàu Bàng) có diện tích 17 ha, gồm 2 giai đoạn với công suất thiết kế30.000m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dựán dựkiến hoàn thành trong vòng 12 tháng. Bên cạnh đó, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng đã được khởi công với chiều dài 10,9km, trong đó đoạn qua huyện Bàu Bàng dài 6,8km. Đây được coi là tuyến đường nhằm tạo động lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp - đô thị của TX.Bến Cát vàhuyện Bàu Bàng, đồng thời tạo sự liên kết vùng giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ đến sân bay, bến cảng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 13, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp đầu tư tại Bình Dương.
Tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng
Mặc dù mới được thành lập nhưng với cơ sở hạ tầng tốt, vị trí địa lý thuận lợi cùng với những chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh cũng như của huyện, KCN Bàu Bàng đã nhanh chóng trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; phối hợp với các ban, ngành cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc của nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích, mời gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực như ngân hàng, siêu thị... để tạo sự đồng bộ trong phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Với những nỗ lực đó, năm 2015, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 40 dự án đầu tư gồm 35 dự án trong nước với tổng vốn hơn 44,9 tỷđồng và 5 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 307,7 triệu USD. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn đã đầu tư vào huyện Bàu Bàng. Cụ thể như Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc) triển khai dự án với vốn đầu tư ban đầu hơn 274 triệu USD; Công ty TNHH Active International (Đài Loan, Trung Quốc) đã ký kết hợp tác đầu tư dự án gần 250 triệu USD…
Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, trong đó huyện Bàu Bàng được điều chỉnh tăng diện tích KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, KCN Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha và việc Ký kết xác thực lời văn TPP ngày 4-2 vừa qua là cơ sở và động lực lớn để huyện Bàu Bàng đặt mục tiêu phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh Bình Dương
Trong đợt trao Giấy chứng nhận đầu tư đợt 1 năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, KCN Bàu Bàng đã có 3 doanh nghiệp đầu tư mới gồm: Công ty TNHH Chain Yarn Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc); Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên sản xuất sợi, dệt vải, in ấn, sản xuất các sản phẩm dệt may khác và Công ty TNHH Titan Việt Nam (Cộng hòa Seychelles) chuyên sản xuất pin và ắc quy chi tiết. Tổng vốn đầu tư của 3 doanh nghiệp này là 227 triệu USD.
HOÀNG PHẠM