Là một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, những năm qua huyện Bàu Bàng triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV). Qua đó, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cửa hàng tiện lợi xuất hiện góp phần thúc đẩy TM-DV huyện phát triển. Trong ảnh: Cửa hàng Bách hóa xanh tại xã Lai Hưng
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển TM-DV, huyện Bàu Bàng tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng TM-DV. Ngoài ra, huyện đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động kinh doanh trên địa bàn; đồng thời khuyến khích các hộ dân dọc các tuyến quốc lộ, gần chợ mở rộng ngành nghề kinh doanh... Nhờ vậy, những năm gần đây, TM-DV của huyện có những bước phát triển mạnh, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và mua sắm của người dân.
Ông Huỳnh Tân Định, ấp Bến Sắn, xã Long Nguyên, cho biết: “Những năm gần đây, hạ tầng giao thông phát triển đã tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, các mặt hàng được phân phối về tận xã, ấp. Bên cạnh chợ truyền thống, sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi, các đại lý lớn đã giúp người dân thuận tiện lựa chọn mua sắm phục vụ cuộc sống”.
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tương đối ổn định bảo đảm phục vụ tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, giao dịch. Hiện, đa số người dân trên địa bàn huyện đã tạo tài khoản giao dịch và sử dụng “Ngân hàng điện tử”. Chỉ tính riêng Vietcombank Bắc Bình Dương - Phòng Giao dịch Bàu Bàng đã tạo được 28.000 tài khoản thanh toán, đã triển khai tính năng nộp thuế, nộp phạt trên nền ứng dụng “Ngân hàng điện tử”. Ngoài ra, ngân hàng còn triển khai tiếp thị đến các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện sử dụng quét mã QR trong các giao dịch thanh toán; lắp đặt miễn phí máy Pos (máy quét thẻ) cho các đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn huyện. Số lượng thẻ sử dụng trên địa bàn đến nay khoảng 70.000.
Để phát triển thị trường hàng hóa, huyện thường xuyên phối hợp tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, chương trình bình ổn giá. Tuyến đường D13 trong khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bàu Bàng trở thành tuyến đường TM-DV - ẩm thực, qua đó thu hút, kích cầu tiêu dùng rất mạnh mẽ.
Trên địa bàn huyện hiện có 10 chợ truyền thống cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Chợ Long Nguyên (xã Long Nguyên) là một trong những chợ được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Theo ông Phạm Văn Tuân, quản lý chợ Long Nguyên, chợ hoạt động từ đầu năm 2013 với 90 ki-ốt, 105 sạp hàng. Hiện tại, do tình hình kinh tế khó khăn chung nên hoạt động buôn bán không còn sôi nổi như trước. Tiểu thương thay vì bán cả ngày nay chỉ còn buổi sáng. Không chỉ riêng chợ Long Nguyên, thời điểm này tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện hầu hết sức mua giảm. Ông Nguyễn Văn Cảnh, quản lý chợ Lai Khê (xã Lai Hưng), chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn bán vẫn chậm. Tiểu thương trong chợ thưa thớt so với trước đây. Hiện một số tiểu thương đang cố gắng duy trì hoạt động”.
Theo lãnh đạo huyện, để hoạt động tại các chợ bảo đảm an ninh trật tự huyện rà soát, kiên quyết xử lý, giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong, kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng tới văn minh đô thị. Tổ chức, sắp xếp hoạt động bán hàng không có địa điểm cố định, bán hàng lưu động. Tiếp tục chú trọng phát triển các ngành dịch vụ thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực của xã hội. Đồng thời, khuyến khích, mời gọi đầu tư, phát triển các lĩnh vực ngân hàng, chợ, bưu chính viễn thông, giao thông - vận tải, dịch vụ nhà ở.. .
TIẾN HẠNH