(BDO) Hội đồng Quy hoạch huyện Dầu Tiếng vừa thông qua báo cáo quy hoạch xây dựng vùng Dầu Tiếng đến năm 2040 và phương án xây dựng, nâng cấp các đô thị trực thuộc. Theo đó, phương án quy hoạch xây dựng của huyện được xây dựng trên cơ sở quy hoạch phát triển chung của tỉnh và tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bức tranh tổng thể hài hòa
Sau 6 lần họp bàn, góp ý, vừa qua Hội đồng Quy hoạch xây dựng huyện Dầu Tiếng đã chính thức thông qua phương án quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2040. Theo đó, Hội đồng Quy hoạch huyện nhất trí thông qua phương án Quy hoạch vùng Dầu Tiếng; tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch vùng toàn huyện; Đồ án phát triển các đô thị và vùng lõi dân cư của 12 đơn vị hành chính trực thuộc; phương án quy hoạch, nâng cấp đô thị; nhiệm vụ và phương án nâng cấp đô thị thị trấn Dầu Tiếng và đô thị mới Long Hòa trên cơ sở xã Long Hòa hiện hữu.
Các thành viên Hội đồng Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 nghe đơn vị tư vấn trình bày các phương án, đồ án
Trên cơ sở bức tranh tổng thể hài hòa, đơn vị tư vấn đã chia ra phương án quy hoạch xây dựng vùng từ nay đến năm 2040 ra nhiều giai đoạn nhỏ. Trong đó, mỗi giai đoạn địa phương sẽ thực hiện các nhóm nhiệm vụ đặc thù để hoàn thành mục tiêu quy hoạch phát triển vùng. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025 địa phương tập trung phát triển kinh tế theo hướng chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch. Giai đoạn 2026-2030, địa phương nỗ lực phát triển công nghiệp, đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, đô thị và dịch vụ du lịch. Giai đoạn 2031-2040, địa phương tiếp tục chiến lược phát triển theo hướng phát triển công nghiệp gắn liền xây dựng đô thị, dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Về mặt quy hoạch phát triển đô thị, từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu phát triển đô thị Dầu Tiếng đạt tiêu chí loại 4; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí để công nhận đô thị Thanh Tuyền và Long Hòa đạt chuẩn đô thị loại 5; hoàn thiện các tiêu chí để trình cấp thẩm quyền thông qua phương án nâng cấp đô thị Minh Hòa trong giai đoạn 2030. Đến năm 2040, huyện Dầu Tiếng phấn đấu trở thành đô thị có cơ cấu kinh tế phát triển hài hòa với các đô thị chiến lược như: Thị trấn Dầu Tiếng, Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa, Thanh An, An Lập.
Ngoài quỹ đất phát triển đô thị, Dầu Tiếng cũng xác định phương án quy hoạch phát triển nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao gắn liền du lịch sinh thái. Theo đó, đối với những quỹ đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, địa phương ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đổi mới, hiệu quả cao. Huyện cũng đưa ra các phương án thu hút du lịch, lồng ghép các điểm thăm quan phù hợp để giúp người dân tăng thêm du nhập từ các dịch vụ đi kèm.
Đối với công tác quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, đơn vị tư vấn đưa ra phương án quy hoạch khoảng 8.000ha làm quỹ đất phát triển đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đề nghị các phòng, ban chuyên môn, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn có phương án bố trí quỹ đất phù hợp. Theo đó, việc quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Dầu Tiếng nói riêng và các huyện phía Bắc của tỉnh nói chung là để thực hiện nhiệm vụ phối hợp di dời công nghiệp từ các đô thị phía Nam của tỉnh. Do đó, huyện Dầu Tiếng cần làm tốt công tác quy hoạch, sẵn sàng quỹ đất, cơ sở hạ tầng để chào đón các doanh nghiệp di dời trong thời gian tới.
Về quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, đơn vị tư vấn cũng đưa ra những định hướng quy hoạch phát triển các thiết chế kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đời sống, văn hóa… và bảo đảm gắn liền với các phương án xây dựng, phát triển theo các chuyên đề, lĩnh vực mà các địa phương đang hướng tới.
Thêm các tuyến giao thông huyết mạch
Theo thông tin khảo sát của đơn vị tư vấn, đến thời điểm này tổng dân số của huyện Dầu Tiếng là 119.225 người, diện tích đất xây dựng đô thị là 8.308ha, chiếm 11,5% diện tích tự nhiên của huyện. Hiện Dầu Tiếng có những tuyến đường giao thông trọng yếu như: Đường Hồ Chí Minh, ĐT744, ĐT748, ĐT749A ĐT749B, ĐT750 và 22 tuyến đường huyện giúp kết nối giao thông liên xã nội vùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống giao thông của Dầu Tiếng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Để phát triển kinh tế, địa phương cần mạnh dạn đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên kết, tạo lực.
Từ nay đến giai đoạn 2040, huyện Dầu Tiếng dự kiến sẽ đầu tư mở rộng một số tuyến đường trục trên cơ sở các tuyến đường huyện hiện hữu làm đường huyết mạch kết nối các địa phương trong huyện. Việc mở các tuyến đường mới được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu, đồng thời tạo ra những vùng đất mới để phát triển các khu dân cư, khu đô thị.
Theo đó, ngoài các tuyến đường giao thông trọng điểm giúp thúc đẩy liên kết vùng được Trung ương đầu tư xây dựng như Quốc lộ 56B, Quốc lộ 22C và các tuyến đường giao thông trọng điểm theo chương trình quy hoạch giao thông của tỉnh như nắn lại quy hoạch đường ĐT749D kết nối với đường Tạo lực Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; điều chỉnh đường ĐT745C kết thúc tại đường ĐT749A; điều chỉnh nối dài đường Vành đai 5 qua sông Sài Gòn kết nối vào đường TL15 (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), trong thời gian tới huyện cũng tập trung phát triển các tuyến đường trục tạo lực giúp các địa phương trong huyện tăng tính liên kết, phát triển.
Cụ thể, huyện dự kiến sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH704 từ đoạn ĐT744 (xã Thanh Tuyền) đến tỉnh Bình Phước làm trục đường chính Bắc – Nam; phối hợp với địa phương bạn đầu tư công trình kết nối đường ĐH704 lên ĐT749C (Bình Phước). Đồng thời, huyện sẽ tổ chức xây dựng 3 tuyến đường tránh cho đô thị Minh Hòa, tuyến đường chạy dọc kênh Phước Hòa để phục vụ an ninh thủy lợi và giao thông đường bộ cho người dân; đấu nối tuyến đường ĐT750 với đường ĐT749A đoạn qua đô thị Long Hòa.
Huyện cũng xây dựng các tuyến đường ven sông Sài Gòn, đường ĐH710 vượt sông Sài Gòn đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 22C (Tây Ninh); cùng với đó tổ chức tuyến đường kết nối vào ĐH610 của huyện Bàu Bàng tạo thành trục Đông - Tây kết nối huyện Dầu Tiếng với huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên và xây dựng tuyến kết nối trục Bắc - Nam từ đường ĐH704 kết nối các khu, cụm công nghiệp từ xã Thanh An qua xã An Lập rồi xuống Rạch Bắp.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, quy hoạch xây dựng vùng Dầu Tiếng được xây dựng dựa trên cơ sở quy hoạch vùng của tỉnh Bình Dương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, trong thời gian tới địa phương chú trọng mở các tuyến đường mới trên phần đất cao su để tạo ra những tuyến đường huyết mạch kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây để tạo ra hệ thống giao thông liên kết vùng.
Việc mở các tuyến đường mới cũng sẽ giúp giảm tải áp lực bồi thường, giải phóng mặt bằng khi lấy đất thực hiện dự án; đồng thời cũng giúp tiến độ thi công các dự án được thực hiện nhanh hơn so với việc mở rộng các tuyến đường hiện hữu.
Ông Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng cho biết, địa phương cơ bản đồng ý với các phương án quy hoạch xây dựng vùng mà đơn vị tư vấn đưa ra. Tuy nhiên, đối với nội dung quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, ông đề nghị phía đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh phương án bố trí cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng khu vực. Tinh thần của địa phương là ưu tiên phát triển loại mô hình kinh tế xanh, sạch, tập trung; công nghiệp chỉ là phụ trợ tạo sức bật để phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao gắn liền du lịch sinh thái. |
Đình Thắng