Huyện Dầu Tiếng: Các lĩnh vực kinh tế tăng trưởng hài hòa

Cập nhật: 03-01-2023 | 09:29:46

Năm 2022, dù gặp phải nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế trên địa bàn huyện Dầu Tiếng tăng trưởng khá ấn tượng. Thống kê của UBND huyện cho thấy, tổng giá trị kinh tế trên địa bàn huyện trong năm đạt khoảng 22.879 tỷ đồng, tăng 14,47% so với cùng kỳ năm 2021. Các lĩnh vực, thành phần kinh tế cũng thể hiện sự cân đối, hài hòa khi có được mức tăng trưởng đầy triển vọng.

 Doanh nghiệp, người dân Dầu Tiếng chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế sau một năm làm ăn hiệu quả

 Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp, nhưng những năm gần đây nền kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng lại có sự phát triển tương đối hài hòa. Giá trị sản xuất các lĩnh vực kinh tế trong 5 năm gần đây đang được cân đối và có xu hướng tịnh tiến đồng đều. Cụ thể, trong năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn ước đạt khoảng 11.116 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; giá trị thương mại - dịch vụ đạt 6.988 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.774 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Nhìn vào những chỉ số trên, dễ dàng nhận thấy nền kinh tế của địa phương phía bắc của tỉnh đang có những hướng dịch chuyển mới. Nhờ được tỉnh quan tâm đầu tư nên lĩnh vực kinh tế thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng trên địa bàn có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian qua. Ngoài ra, với chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp được thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm, giá trị nền kinh tế nông nghiệp của địa phương cũng có nhiều khởi sắc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian qua ngành nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả. Địa phương cũng có chủ trương khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc nông sản, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao với quy mô lớn giúp gia tăng thu nhập so với những mô hình, phương thức nông nghiệp truyền thống. Cụ thể, sau khi chuyển đổi mô hình từ trồng và khai thác cao su trên diện tích hàng trăm ha, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã có thêm hai lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Trồng chuối với thu nhập đạt khoảng 689 triệu đồng/ha/năm, trồng cây có múi với thu nhập 822 triệu đồng/ ha/năm.

Nhìn vào những kết quả đầy triển vọng mà các doanh nghiệp và trang trại đi trước đạt được, làn sóng chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn đã diễn ra khá nhanh và mạnh. Cụ thể, trong năm 2022, tổng diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với tỷ lệ này là sự gia tăng khoảng 5,26% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn. Ghi nhận của địa phương cho thấy, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn hiện có khoảng 800ha, diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu trên địa bàn ước đạt 4.905 ha. Đây là những con số biết nói, khẳng định tín hiệu lực, hiệu quả đối với chủ trương, chính sách tái cơ cấu nông nghiệp mà địa phương đang kiên trì thực hiện.

Doanh nghiệp duy trì ổn định

Không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2022 các lĩnh vực kinh tế của vùng xa Dầu Tiếng cũng kết quả tăng trưởng khá ấn tượng. Với sự hỗ trợ của địa phương, trong năm các doanh nghiệp trên địa bàn đã làm ăn tương đối hiệu quả, ổn định. Ghi nhận của địa phương cho thấy, tính đến cuối tháng 12-2022, trên địa bàn huyện đã có 487 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Dù gặp phải khá nhiều khó khăn, thử thách nhưng nhìn chung các doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng dương và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết sau khi ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với huyện Ba-chiêng, tỉnh Champasak (Lào), địa phương đã đẩy mạnh việc xúc tiến, giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn tại thị trường mới. Trước mắt, trong năm 2023, huyện sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và du lịch ở Ba-chiêng. Hoạt động dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách sẽ là cánh cửa đầu tiên mở ra những cơ hội hợp tác bền vững cho hai địa phương.

Có mặt tại các xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng vào những ngày cuối năm, chúng tôi ghi nhận không khí kinh doanh, mua bán khá tấp nập. Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, các phòng ban, địa phương đã thường xuyên triển khai các tổ công tác giám sát hoạt động kinh doanh, mua bán vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đến nay, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp, tiểu thương nào có hành vi găm hàng trục lợi, giá cả hàng hóa được kiểm soát ở mức bình ổn nên cũng tạo điều kiện giúp hoạt động mua sắm cũng diễn ra khá sôi động.

 Sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng về kinh tế đã giúp huyện Dầu Tiếng trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2022. Ghi nhận của UBND huyện cho thấy, trong năm trên toàn địa bàn đã thu ngân sách 1.491 tỷ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu mới từ sản xuất, kinh doanh 640,6 tỷ đồng, đạt 108% dự toán tỉnh giao; ngân sách cân đối địa phương được hưởng 237 tỷ đồng, đạt 122% dự toán tỉnh. Hoạt động chi ngân sách cũng được địa phương thực hiện đúng quy định với tổng chi trong năm ước đạt 1.049,3 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên đạt 838,8 tỷ đồng.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên