Năm 2024, huyện Dầu Tiếng chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông nông thôn (GTNT), gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, đổi thay diện mạo khu vực nông thôn.
Phát triển khung giao thông nông thôn
Bên cạnh những dự án đầu tư công, huyện Dầu Tiếng rất chú trọng hệ thống hạ tầng GTNT. Hàng năm, huyện đưa kế hoạch vào phong trào xây dựng GTNT nhằm huy động các nguồn lực đầu tư. Để đạt mục tiêu 40% tỷ lệ được cứng hóa, bê tông hóa, năm 2023 huyện Dầu Tiếng đã nâng cấp, dặm vá 14 tuyến đường, tổng chiều dài 42km. Đến nay, 99/100 tuyến đường do huyện quản lý, tổng chiều dài 233,98km được nhựa hóa, đạt 99%; 100% tuyến đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có trên 47% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện. Các tuyến đường mới đầu tư đều được trang bị biển báo, chiếu sáng, cây xanh… bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Nhiều tuyến đường GTNT trên địa bàn huyện được nâng cấp nhựa nóng. Trong ảnh: Tuyến đường GTNT tại xã Minh Hòa xây dựng trong năm 2023
Hiện huyện Dầu Tiếng đang đẩy mạnh phong trào “Nhà nước và nhân dân, doanh nghiệp cùng làm”. Trong đó, người dân hiến đất, cây trái, hoa màu, huyện sẽ sử dụng ngân sách để thiết lập các thủ tục đầu tư, vận động 1 phần vốn doanh nghiệp có liên quan các tuyến đường để cùng đầu tư, hình thành một khung giao thông tạo nền tảng nâng cấp trong tương lai.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Huyện sẽ triển khai liên tục phong trào “Phát triển khung giao thông bằng sỏi đỏ”, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2025-2030, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. |
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Huyện Dầu Tiếng đang tiếp tục xây dựng đề án “Phát triển khung giao thông xã cho giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn 2030”. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, phong trào này sẽ góp phần tạo cho hệ thống GTNT của huyện trong thời gian tới ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, phát triển”. Theo ông Nguyễn Phương Linh, việc phát triển khung giao thông bằng sỏi đỏ đi trước một bước có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế của huyện, đồng thời tạo sự đồng thuận của người dân cũng như huyện không phải vướng mắc công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Năm 2024, UBND huyện chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện, tập trung đầu tư bê tông hóa đường giao thông trục ấp, liên ấp, đường ngõ, xóm nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và diện mạo khu vực nông thôn.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng khang trang
Huyện Dầu Tiếng đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu, phát triển nông thôn bền vững. Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng nông thôn thực sự là nơi “đáng sống và muốn sống” của người dân.
Để đạt được các mục tiêu này, trong công tác quy hoạch xây dựng NTM, UBND huyện Dầu Tiếng tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch gắn với quá trình đô thị hóa. Song song đó, huyện hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung đến năm 2030 tại 8 xã xây dựng NTM, đưa vào áp dụng nhằm bảo đảm quy hoạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. UBND huyện Dầu Tiếng cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản, phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đồng bộ, hiện đại.
PHƯƠNG LÊ