Huyện Dầu Tiếng: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động

Cập nhật: 10-01-2023 | 09:19:07

Xác định lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách chăm lo thiết thực cho CNLĐ.

Chăm lo nguồn nhân lực

Theo Huyện ủy Dầu Tiếng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tình hình CNLĐ và giai cấp công nhân trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có nhiều chuyển biến tích cực. Là một huyện có tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn, tuy nhiên những năm gần đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại huyện Dầu Tiếng. Hiện nay, toàn huyện có 487 công ty, DN với hơn 12.700 CNLĐ.

CNLĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vui chơi thể thao sau giờ làm việc

Trong những năm qua, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các chủ trương, chính sách chăm lo thiết thực cho đội ngũ CNLĐ, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW. Từ đó, đội ngũ CNLĐ không ngừng được quan tâm, chăm lo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Tích cực hỗ trợ

Thời gian gần đây, do dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã tác động đến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, từ đó một số DN gặp khó khăn phải cắt giảm số lượng công nhân do thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động do thiếu đơn hàng. Đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ còn nhiều khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe, nhà ở cho công nhân, các thiết chế văn hóa, mô hình, khu vui chơi cho người lao động, con em CNLĐ còn thiếu và bất cập. Trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của đa số CNLĐ còn hạn chế, trong khi công nhân bậc cao, tay nghề giỏi chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, nhiều DN chưa thật sự quan tâm đúng mức đến đời sống của CNLĐ.

Nhằm tập trung mọi nguồn lực để chăm lo và tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động để họ yên tâm lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Dầu Tiếng ngày càng phát triển bền vững, mới đây Huyện ủy Dầu Tiếng đã ban hành kế hoạch tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn huyện.

Ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết huyện đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó đặc biệt quan tâm chú trọng đến nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Đây là nhiệm vụ được đưa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng hàng năm, qua đó cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Song song đó, huyện sẽ tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa cấp ủy, chính quyền đối với người lao động, chủ DN để kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc như tiền lương, tiền thưởng, chế độ làm thêm giờ, thời gian tăng ca, điều kiện và môi trường làm việc...

Đối với tổ chức công đoàn, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chủ trương “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững DN, vì việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động”; quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc bảo đảm an toàn lao động; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện chính sách an toàn - vệ sinh lao động.

Song song đó, các đơn vị liên quan của huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là người lao động có thu nhập thấp; tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tập trung quan tâm đến người lao động xa quê, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế, trang thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động tại doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Dân cho biết thêm, bên cạnh nguồn ngân sách được bố trí theo quy định, các cấp, các ngành của huyện đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ. Có như vậy mới tạo được môi trường làm việc thông thoáng, giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với DN, góp phần quan trọng xây dựng quê hương Dầu Tiếng ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại. 

Theo kế hoạch, huyện Dầu Tiếng phấn đấu đến năm 2025 đạt một số mục tiêu cơ bản, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 - 2.500 lao động; có từ 80% người lao động trở lên được cung cấp, phổ biến thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có từ 45 - 50% CNLĐ tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước được tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong lao động công nghiệp; 50% các DN xây dựng lực lượng công nhân xung kích; 80% trở lên các DN có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể; có khoảng 100 nhà trọ đạt chuẩn cho người lao động thuê ở.

TRÍ DŨNG - H.MỪNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên