(BDO) Vừa qua, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh đã thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040. Theo đó, từ nay đến năm 2030, vùng huyện Dầu Tiếng sẽ được phát triển theo hướng công nghiệp – nông nghiệp – đô thị – dịch vụ du lịch; giai đoạn 2031 – 2040 phát triển theo hướng công nghiệp – đô thị – dịch vụ du lịch – nông nghiệp.
Nâng cấp, phát triển đô thị
Theo Tờ trình đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 của UBND huyện Dầu Tiếng, đô thị Dầu Tiếng sẽ được nâng cấp, phát triển theo từng giai đoạn.
Huyện Dầu Tiếng đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, thị trấn Dầu Tiếng đạt đô thị loại IV; các xã Thanh Tuyền, Long Hòa và Minh Hòa đạt đô thị loại V; thành lập thị trấn Thanh Tuyền. Giai đoạn năm 2026 – 2030 sẽ thành lập 2 thị trấn Long Hòa và Minh Hòa; phấn đấu Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp đạt các tiêu chí đô thị loại V; phấn đấu huyện đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.
Giai đoạn năm 2031 – 2040, nâng cấp huyện lên thị xã và tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh tiêu chí thị xã; xây dựng thị xã phát triển bền vững và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để phát triển huyện Dầu Tiếng, đồ án đã phân làm 5 vùng. Trong đó, vùng I giữ vai trò đô thị trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Ranh giới gồm: thị trấn Dầu Tiếng, Thanh An, Định Hiệp, một phần các xã Thanh Tuyền, An Lập và Định Thành; diện tích khoảng 18.600 ha. Định hướng phát triển Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dầu Tiếng 5, các cụm công nghiệp Định Hiệp 1, Định Hiệp 2, Định Hiệp 3, Thanh An 1, Thanh An 2, Thanh An 3, khu Logistic; phát triển thương mại dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, kinh doanh, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ du lịch và các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái ven sông Sài Gòn, sông Thị Tính, hồ Cần Nôm, đập Thị Tính, … kết hợp với việc khai thác cảnh quan, hình thành các khu du lịch nông nghiệp sinh thái, nghỉ dưỡng.
Vùng II là vùng phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp phía Nam. Ranh giới gồm các xã Thanh Tuyền, An Lập và một phần xã Long Tân; diện tích khoảng 13.400 ha. Định hướng hình thành tuyến dân cư kết hợp phát triển thương mại dịch vụ dọc trục ĐT.744, ĐT.748 và lõi trung tâm vùng là đô thị Thanh Tuyền; phát triển khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dầu Tiếng 1A, các cụm công nghiệp (An Lập, An Lập 2, An Lập 3); dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, vận tải; phát triển các khu chuyên canh vườn cây ăn trái kết hợp tuyến du lịch trên sông Sài Gòn, du lịch sinh thái và du lịch lịch sử.
Vùng III là vùng phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ phía Đông. Ranh giới gồm một phần các xã Long Hòa và Long Tân; diện tích khoảng 7.200 ha. Định hướng phát triển vùng theo tuyến ĐT.749A và ĐT.750; phát triển Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dầu Tiếng 4 ở khu vực phía Đông vùng gắn với vùng công nghiệp huyện Bàu Bàng; phát triển vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Vùng IV là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao - đô thị - dịch vụ phía Bắc. Ranh giới gồm xã Định Thành, Minh Tân, một phần các xã Minh Hòa và Định An; diện tích khoảng 17.400 ha. Định hướng phát triển vùng theo tuyến ĐH.744B và ĐT.749B; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Long Hòa, Minh Tân; phát triển vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Thạnh kết hợp phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp.
Vùng V là vùng phát triển dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ du lịch) - nông nghiệp phía Tây Bắc. Ranh giới gồm xã Định Thành, một phần các xã Minh Hòa và Định An; diện tích khoảng 15.500 ha. Định hướng phát triển vùng theo tuyến ĐT.744 và ĐT.749B, phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao và vườn cây ăn trái dọc quanh hồ Dầu Tiếng.
Thị trấn Dầu Tiếng quy hoạch đến năm 2040 là vùng đô thị trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp
Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng
Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, huyện Dầu Tiếng sẽ được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, từ nay đến năm 2030 về hạ tầng kỹ thuật, Dầu Tiếng sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nâng cấp, mở rộng đường ĐT.748, ĐT.749A, ĐT.744, ĐT.750; tuyến đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, huyện sẽ được đầu tư xây dựng các tuyến đường động lực Bắc – Nam gồm: ĐT.744B, ĐT.749C, ĐT.744-N2; các tuyến đường động lực Đông – Tây gồm: đường ĐH.718 nối dài kết nối với trục chính khu công nghiệp –dịch vụ-đô thị Phước Đông Bời Lời; tuyến đường ven sông Sài Gòn; các tuyến đường Vành đai đô thị: đường Vành đai Thanh Tuyền, đường vành đai Long Hòa (ĐH.729), đường vành đai Minh Hòa (ĐH.731, ĐH.732); tuyến đường ĐH.728 kết nối giữa trung tâm thị trấn Dầu Tiếng với trung tâm Long Hòa; đầu tư xây dựng bến xe Dầu Tiếng, Bến Súc, Long Hòa, Minh Hòa, Minh Thạnh;…
Về hạ tầng xã hội, huyện sẽ đầu tư xây dựng trung tâm hành chính các xã Thanh Tuyền, An Lập, Minh Hòa; nâng cấp Trung tâm Y tế huyện; đầu tư xây dựng công viên trung tâm huyện tại thị trấn và các công viên trung tâm các xã, thị trấn.
Để triển khai thực hiện được các chương trình, dự án, ngoài nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách, huyện Dầu Tiếng sẽ vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước để kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng; huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị; thực hiện xã hội hóa y tế, giáo dục...
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu tiếng: “Vừa qua UBND huyện đã hoàn thiện Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040. Đồ án đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thông qua, chuẩn bị phê duyệt. Đây là quy hoạch lần đầu tiên được tích hợp, phù hợp với các quy hoạch trước đây như quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển nông nghiệp; phát triển công nghiệp; du lịch. Sau khi Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt, UBND huyện sẽ triển khai hàng loạt các quy hoạch chi tiết như: quy hoạch 1/2000; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch chung nông thôn các xã; triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; các dự án đầu tư xã hội. Trong năm 2024, sau khi Đồ án Quy hoạch được duyệt, UBND sẽ thực hiện nhiệm vụ Chương trình nâng cấp đô thị, nâng cấp đơn vị hành chính cho xã Thanh Tuyền, xã Long Hòa lên thị trấn trong năm 2025”. |
Phương Lê - Hoàng Phong