Huyện Dầu Tiếng: Quan tâm phát huy tiềm năng du lịch

Cập nhật: 11-11-2024 | 08:58:53

Huyện Dầu Tiếng có tiềm năng du lịch nhưng chưa được phát triển tương xứng. Vì vậy, rất cần những chính sách, kế hoạch đầu tư để du lịch huyện sớm được triển khai, từ đó giúp địa phương có điều kiện thuận lợi khai thác lợi thế đáp ứng nhu cầu phát triển.

 Một điểm check-in được nhiều người tìm đến trong thời gian qua trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

 Nhiều tiềm năng

Theo ông Lê Hồng Mừng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) huyện, Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nếu được đầu tư khai thác một cách bài bản, hiệu quả. Tiềm năng lợi thế đầu tiên của huyện là quỹ đất, với diện tích tự nhiên hơn 72.000 ha. Điều này thuận lợi cho việc phát triển đô thị, phát triển các khu du lịch, các điểm du lịch.

Huyện Dầu Tiếng cũng có địa hình đa dạng (núi Cậu), thảm thực vật phong phú (rừng cao su, rừng tự nhiên…) với không khí trong lành, thơ mộng để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Dầu Tiếng còn là địa phương có tiềm năng về sông ngòi. Ngoài sông Sài Gòn, sông Thị Tính, trên địa bàn huyện còn có hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, đập Hàng Nù và hệ thống sông ngòi khác chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cắm trại hay các loại hình du lịch khác gắn với sông nước.

Để du lịch Dầu Tiếng phát huy được thế mạnh, ông Lê Hồng Mừng, Phó trưởng Phòng VHTT huyện, cho biết ngoài sự vào cuộc của địa phương, huyện Dầu Tiếng cần được tạo điều kiện về hành lang pháp lý mở để công nhận các điểm du lịch trên địa bàn theo quy định của Luật Du lịch.

Về tài nguyên du lịch nhân văn, trên địa bàn huyện có 10 di tích lịch sử cấp tỉnh và 1 di tích cấp Quốc gia (Sở chỉ huy chiến dịch tiền phương Hồ Chí Minh) đã và đang được đầu tư xây dựng và bảo tồn. Ngoài ra còn có 4 đình thần, 15 miếu và những lễ hội, như: Lễ hội Hoa Đăng đưa rước cộ Bà; lễ hội Kỳ yên, lễ hội chùa Thái Sơn - núi Cậu; lễ vía Cậu và các lễ hội tín ngưỡng khác… Đây là một trong những thế mạnh giúp cho huyện phát triển loại hình du lịch lịch sử và du lịch tâm linh.

Cùng với những lợi thế trên, huyện Dầu Tiếng cũng đã và đang nghiên cứu phát triển những sản phẩm, đặc sản địa phương để góp phần quảng bá cho du lịch dựa trên việc khai thác các thế mạnh về đất đai, khí hậu.

Quan tâm phát huy

Để phát triển du lịch, thời gian qua, UBND huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch bằng việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao gắn với du lịch; tham mưu đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển; triển khai, thực hiện chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực về du lịch.

Song song đó, Dầu Tiếng cũng quan tâm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện; xây dựng hệ thống dữ liệu về du lịch, thông tin về du lịch; tăng cường tuyên truyền quảng bá các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện; quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư.

Về phía các ngành chức năng địa phương, trong thời gian qua, Phòng VHTT đã tham mưu UBND huyện, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch sát với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền với diện tích 193 ha. Các đơn vị viễn thông tiếp tục triển khai xây dựng phương án phủ sóng điện thoại nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tại các di tích, khu vực chùa Thái Sơn - núi Cậu.

Mặc dù đã có nhiều động thái, song hiện nay du lịch huyện Dầu Tiếng vẫn chưa phát huy hiệu quả một cách tốt nhất. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp; việc liên kết với các địa phương khác còn nhiều hạn chế. Điều hạn chế nữa đó là hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch của địa phương chưa đạt chuẩn và chưa đáp ứng yêu cầu lưu trú dài ngày hay phục vụ lượng khách đông trong cùng một thời điểm… Đây cũng chính là những điều đang được địa phương rất quan tâm, vì nếu những vấn đề trên được giải quyết thì việc khai thác phát triển du lịch của Dầu Tiếng trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.

 Khai thác thế mạnh đường sông

Phòng VHTT huyện Dầu Tiếng kiến nghị ngành chức năng xem xét, hỗ trợ ngân sách xây dựng bến hành khách phục vụ khách du lịch tham quan thắng cảnh núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, kết hợp với du lịch sinh thái đường sông thuộc ấp Núi Đất, xã Định Thành; sớm đầu tư xây dựng mới bến Dầu Tiếng (sông Sài Gòn) ở địa bàn xã Thanh Tuyền, nhằm phục vụ khách du lịch sinh thái sông nước kết hợp tham quan các vườn cây ăn trái, các di sản văn hóa, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, khu di tích Địa đạo Củ chi, TP.Hồ Chí Minh.

 HỒNG THUẬN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1090
Quay lên trên