Huyện Dầu Tiếng: Quyết tâm chuyển đổi số

Cập nhật: 29-11-2024 | 08:41:51

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện tốt Nghị quyết số 05-NQ/ TU ngày 19-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện đã triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng phục vụ nhân dân.

Nhiều hoạt động hướng về nhân dân

Trong tháng 10-2024, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã tổ chức ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển kinh tế số, xã hội số”. Tại xã Long Hòa, cán bộ, các tình nguyện viên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các ấp đã ra quân đến các khu chợ, nhà dân phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức đăng ký chữ ký số, đăng ký tài khoản dịch vụ công (DVC).

Tại các xã An Lập, Định An, Định Hiệp, Định Thành, Long Tân, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng, các đội tình nguyện viên đều tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn đăng ký DVC, đăng ký chữ ký số, app Bình Dương số… Song song đó, các xã, thị trấn còn cùng nhà mạng, ngân hàng hướng dẫn, hỗ trợ cho hơn 1.000 người dân, cán bộ hưu trí đăng ký tài khoản ngân hàng, chuyển đổi điện thoại miễn phí từ 2G lên 4G.

Các tổ công nghệ số cộng đồng xã Long Hòa ra quân tuyên truyền, hướng dẫn các tiện ích CĐS cho tiểu thương tại chợ Long Hòa

Theo thống kê, 89 tổ công nghệ số cộng đồng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 329 thành viên đã đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp nhân dân CĐS. Họ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS. Họ trực tiếp đến từng khu chợ, nhà dân truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương…

Nhiều kết quả

Tính đến nay, toàn huyện đã phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu CĐS, cáp quang, sóng thông tin di động gồm Viettel (98 trạm 4G, 66 trạm 2G, 98 trụ BTS); VNPT (82 trạm 4G, 99 trạm 3G, 52 trạm 2G); Mobifone (1 trạm 2G, 10 trạm 3G, 72 trạm 4G, 83 trụ BTS). Riêng hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng khẩn trương triển khai hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh để đưa vào hoạt động; tăng cường thực hiện ký số trên phần mềm quản lý văn bản theo Công văn số 1492/UBND-TH của UBND huyện, trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm việc bảo đảm kýsốtổ chức, lãnh đạo bằng sim PKI hoặc USB token khi phát hành văn bản trên phần mềm quản lývăn bản nhằm gia tăng điểm sốđánh giácủa huyện. UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của cơ quan, đơn vị để kịp thời báo cáo UBND huyện có chỉ đạo kịp thời…

Hiện nay, 100% các cơ quan thuộc UBND cấp huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phủ từ cấp huyện tới cấp xã; 100% các máy tính được cài đặt phần mềm diệt vi rút. Công tác an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định trên mô hình bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin 4 lớp theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong phát triển chính quyền số, cổng thông tin điện tử của huyện đã liên kết và đăng tải đầy đủ bộ thủ tục hành chính phục vụ người dân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn huyện đã cung cấp được khoảng 8.943 chữ ký số cho công dân; trên 8.300 tài khoản ví điện tử. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ thống kê, báo cáo thực hiện trực tuyến đạt 100%; trên 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Theo ông Linh, mặc dù đạt nhiều kết quả tốt, tuy nhiên khó khăn hiện nay là đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ CNTT còn thiếu, nhất là đối với cấp xã, dẫn đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước nói chung và công tác cải cách hành chính nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Song song đó, hệ thống DVC thường hay bị lỗi, người dân, doanh nghiệp chưa có thói quen tiếp cận với dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến; người cao tuổi hoặc người dân không thành thạo máy vi tính thì phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các tình nguyện viên tại bộ phận “một cửa”…

Để giải quyết những khó khăn, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, xã, thị trấn chú trọng chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số, xã hội số”, như sử dụng DVC trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên internet, ứng dụng AI vào đời sống hàng ngày…

UBND huyện tiếp tục triển khai phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp thẩm quyền về CĐS; xác định tính cấp thiết, vai trò, ý nghĩa của CĐS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chương trình CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 43 của UBND huyện Dầu Tiếng về việc CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch của UBND huyện về triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Dầu Tiếng năm 2024. 

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3
Quay lên trên