Huyện Dầu Tiếng:Tập trung nâng cao chất lượng nông sản

Cập nhật: 23-09-2020 | 07:16:48

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp (NN). Qua đó, không chỉ tạo điều kiện khuyến khích nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mà còn góp phần tạo “đầu ra” ổn định cho nông sản, thúc đẩy sản xuất NN phát triển bền vững.

 Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ luôn được huyện khuyến khích

 Ứng dụng khoa học, công nghệ

Đã hơn 3 năm nay, việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất NN được huyện Dầu Tiếng đặc biệt coi trọng. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành nhiều mô hình, vùng NN ứng dụng công nghệ cao, như trồng dưa lưới trong nhà màng, chuối cấy mô, hình chăn nuôi heo và gà trang trại lạnh, quy mô công nghiệp…

Những sản phẩm cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi da xanh) và măng cụt tại các xã Thanh An, Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Thạnh được áp dụng những nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch theo hướng VietGAP đang ngày càng bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng chú trọng xây dựng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng” từ năm 2016 tại các vườn măng cụt chất lượng cao thuộc xã Thanh Tuyền, Thanh An với mô hình Nhà quản lý - Nhà vườn - Nhà khai thác theo các quy trình sản xuất, tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suốt Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, hiện 13 hộ nhà vườn trồng măng cụt tại xã Thanh An, Thanh Tuyền có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”. Chỉ có những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại Dầu Tiếng mới được phép sử dụng nhãn này nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác “Măng cụt Dầu Tiếng”. Tiêu chuẩn sản phẩm mang nhãn hiệu “Măng cụt Dầu Tiếng” với hình dáng bên ngoài là da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ và màu sắc đỏ đen hoặc đỏ nhạt.

Cùng với cây măng cụt, cây có múi... thời gian qua nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Huyện Dầu Tiếng tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành NN theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị và phát triển NN bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển nông nghiệp sạch

Tiếp tục phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, NN đô thị, hoàn thành và giữ vững các mục tiêu nông thôn mới, huyện Dầu Tiếng quy hoạch, phát triển 1 - 2 Khu liên hợp NN công nghệ cao tại xã Long Hòa, Minh Tân. Huyện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, Dầu Tiếng đã thu hút được một số doanh nghiệp và đầu tư phát triển NN sạch, NN ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, người dân cũng đã bước đầu đầu tư một số mô hình như: Nuôi trồng sinh vật cảnh; trồng nấm ăn, nấm dược liệu; trồng dưa lưới... Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng triển khai và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã NN áp dụng mô hình sản xuất NN ứng dụng KHCN như rau thủy canh, rau củ quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng... Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiên phong sản xuất NN chất lượng cao, nổi bật như: Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I triển khai thực hiện dự án trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 117ha, lập thủ tục đầu tư tại xã Long Hòa 2.300ha cây có múi ứng dụng công nghệ cao; người dân đầu tư sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao khoảng 27ha. Công ty thực phẩm 3F Việt đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm theo hướng tự động gắn với bảo vệ môi trường tại ấp Kiến An, xã An Lập.

Huyện Dầu Tiếng đã và đang tích cực phát triển các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) và xác định đây là một chương trình phát triển kinh tế phát huy được sản phẩm chủ lực của địa phương, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong tái cơ cấu ngành NN, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt hiệu quả.

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết huyện đang có dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm NN đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng”. Theo dự án này, có 4 sản phẩm tham gia giới thiệu và quảng bá gồm: Cao nấm linh chi Minh Khai, dưa lưới An Lập, mật ong Minh Hòa, măng cụt Thanh Tuyền. “Sản xuất NN luôn gắn liền với các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện đang triển khai thực hiện mở các tuyến giao thông vào khu phát triển sản xuất NN kết nối với hệ thống giao thông nông thôn của các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vật tư, sản phẩm NN sau thu hoạch được thuận lợi, là tiền đề kích thích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển vào lĩnh vực NN”, ông Trần Quang Tuyên cho biết thêm.

 Huyện Dầu Tiếng đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị sản xuất NN đạt 100 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất NN công nghệ cao bình quân 500 triệu đồng/ha/năm, phát triển và kết nối mô hình hợp tác xã NN với các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện sơ chế biến, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ...

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=966
Quay lên trên