Được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, vừa qua huyện Dầu Tiếng đã thực hiện chương trình ký kết hợp tác với huyện Ba-chiêng, tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Qua đó, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai địa phương.
Lãnh đạo hai địa phương chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ ký kết hợp tác
Hợp tác toàn diện
Cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng và huyện Ba-chiêng, tỉnh Champasak đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương. Lễ ký kết được tổ chức trên cơ sở nâng cao mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai tỉnh Bình Dương và Champasak đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy, hợp tác cùng phát triển cho hai địa phương.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trên tinh thần ký kết hợp tác, hai bên sẽ ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động về hợp tác đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trao đổi nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đoàn công tác và doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và đầu tư phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên. Thông qua thỏa thuận hợp tác chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp của hai huyện sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế, giúp cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân huyện Dầu Tiếng bước ra thị trường khu vực và quốc tế trong tương lai.
Được biết, hiện nay Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Tập đoàn Cao su Việt Nam đang có hơn 20.000 ha diện tích cao su trồng trên địa bàn huyện Ba-chiêng. Trải qua chặng đường trồng, khai thác cao su hơn 17 năm trên đất bạn, doanh nghiệp, người lao động thuộc Công ty Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) và Công ty Cao su Việt - Lào (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) luôn được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Hiện đang có khoảng 150 cán bộ, công nhân lao động là người huyện Dầu Tiếng đang sinh sống, làm việc tại hai công ty cao su trên đất bạn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai huyện tiến tới sự kiện ký kết hợp tác toàn diện.
Mở hướng phát triển
Trao đổi với chúng tôi sau chương trình ký kết hợp tác, ông Nguyễn Phương Linh cho biết buổi lễ ký kết diễn ra trong không khí trang trọng, nghĩa tình, nhận được sự quan tâm, đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai huyện. Đồng thời giúp hai địa phương mở ra một chặng đường mới trong việc xây dựng, phát triển.
Ông Linh cho biết sau sự kiện ký kết hợp tác, hai địa phương thống nhất sẽ xây dựng các chương trình cụ thể cho từng lĩnh vực; tích cực xây dựng và triển khai các quy chế hoạt động giao lưu, hợp tác hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên. Về phía huyện Dầu Tiếng, với những thế mạnh, lợi thế sẵn có huyện sẽ xây dựng những chương trình hỗ trợ phía bạn xây dựng và phát triển hệ thống Đảng, chính quyền; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp từ huyện Dầu Tiếng đến làm ăn tại huyện Ba-chiêng và ngược lại.
Theo tìm hiểu, hiện Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã giao các phòng ban chuyên môn tham mưu tổ chức một số sự kiện sau buổi lễ ký kết. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2022, huyện sẽ cử đoàn công tác hỗ trợ chi bộ của doanh nghiệp cao su trú đóng ở địa phương bạn về việc bồi dưỡng, đào tạo khoảng 40 cán bộ đối tượng Đảng của các công ty cao su ở tỉnh Savannakhet và Champasak; tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực giúp hệ thống chính quyền phía bạn khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng về đất đai, tài nguyên, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhân dân huyện Ba-chiêng.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Dầu Tiếng cũng sẽ thông qua hoạt động các công ty cao su để đầu tư một số khu sản xuất chế biến gỗ và mở rộng nâng cao chất lượng chế biến của các nhà máy trên địa bàn huyện Ba-chiêng; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp trẻ của huyện qua tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư các ngành như du lịch, vận tải, chế biến nông lâm sản ở địa phương bạn. Ngược lại, huyện Dầu Tiếng cũng sẽ hỗ trợ phía bạn đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà nước thông qua hệ thống các trường đại học của tỉnh Bình Dương; tạo điều kiện cho thế hệ trẻ và thanh niên của hai huyện quan hệ giao lưu, thắt chặt hơn nữa các hoạt động hữu nghị.
Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, kinh tế huyện Dầu Tiếng hồi phục và tăng trưởng trở lại. Đến nay, tăng trưởng kinh tế của huyện đã đạt trên 14%/năm. Theo ghi nhận của địa phương, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp… đều có tín hiệu tăng trưởng ổn định. Cùng với chính sách hợp tác quốc tế vừa được ký kết với huyện Ba-chiêng, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế huyện Dầu Tiếng đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
ĐÌNH THẮNG