Huyện Dầu Tiếng: Thương mại - dịch vụ tăng trưởng ổn định

Cập nhật: 11-03-2022 | 08:08:37

 Là một trong những địa phương sớm kiểm soát dịch bệnh, ngay từ khi trở lại với trạng thái “bình thường mới”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tại huyện Dầu Tiếng tiếp tục trở lại với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mang lại hiệu quả thiết thực.

 Hàng hóa đầy đủ chủng loại luôn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một siêu thị mini tại thị trấn Dầu Tiếng

 Kinh tế nhanh chóng phục hồi

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, kể từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế - xã hội huyện nhà tiếp tục được duy trì ổn định. Theo đó, trong tháng 2-2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 1.311,7 tỷ đồng, tăng 14,32% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 591,7 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ; giá trị thương mại - dịch vụ đạt 555 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp 164,9 tỷ đồng, tăng 5,4%. Nhìn vào những chỉ số kể trên, có thể khẳng định nền kinh tế - xã hội địa phương này đang tăng trưởng khá ổn định sau đại dịch. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp, xây dựng tiếp tục được kỳ vọng sẽ có những bứt phá lớn trong năm 2022.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện Dầu Tiếng luôn kỳ vọng sẽ dùng nền tảng công nghiệp thế mạnh là chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, súc sản… để làm bệ phóng thúc đẩy các lĩnh vực khác. Dù vậy, huyện vẫn luôn chú trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển du lịch sinh thái như tiềm năng, thế mạnh vốn có. Cụ thể, với việc liên tiếp thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mục đích trồng cây nông nghiệp, diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện Dầu Tiếng tính đến cuối tháng 2-2022 chỉ còn khoảng 49.550ha, giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, diện tích các trang trại trồng trọt cây ăn trái và trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng và đạt trên 1.000ha vào đầu tháng 3-2022, tăng 8,6% so với năm 2021.

Cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng cũng thực hiện đề án quy hoạch các vườn cây ăn trái đặc sản ven sông, và đưa những vườn cây ăn trái này kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại một số địa phương như Thanh Tuyền, Thanh An, thị trấn Dầu Tiếng… Đây đồng thời cũng là chương trình hành động nhằm mục đích phát triển tam nông (nông nghiệp-nông dân - nông thôn) trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thương mại - dịch vụ trở lại sôi động

Trở lại huyện Dầu Tiếng dịp sau tết, chúng tôi ghi nhận không khí mua bán tại các khu chợ, cửa hàng trên địa bàn các xã, thị trấn đã trở nên sôi động hơn trước. Ghi nhận thực tế tại khu chợ sáng, chợ chiều, các cửa hàng trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng vào những ngày đầu tháng 3-2022 cho thấy, hàng hóa nơi đây được bảo đảm đủ đầy và phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.

Để bảo đảm nền kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển ổn định trở lại, ngay từ đầu năm Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, địa phương lên kế hoạch thực hiện các chuyên đề thanh tra, kiểm tra. Qua đó đã kiểm soát ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Để hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, huyện cũng giao ngành chức năng phối hợp Sở Công thương và các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý, niêm yết giá bán các loại hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng.

Kể từ sau đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 đến nay, thị trường tiêu dùng tại thị trấn Dầu Tiếng đã có nhiều nét mới, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gia tăng đáng kể. Cụ thể, theo thống kê của UBND huyện Dầu Tiếng, trong tháng 2-2022, huyện đã thực hiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho 90 cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký 23,5 tỷ đồng. Đây có lẽ là dẫn chứng thuyết phục nhất cho nhận định thương mại - dịch vụ thị trấn Dầu Tiếng tăng trưởng ổn định và có xu hướng phát triển sau đại dịch.

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, huyện Dầu Tiếng giao ngành chức năng cố gắng bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương, không để xảy ra sốt giá, giá ảo hay khan hiếm hàng hóa. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ tăng cường thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm hàng hóa trên địa bàn vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.

 Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Với mong muốn sớm phục hồi nền kinh tế - xã hội, huyện xác định sẽ thực hiện cùng lúc nhiều nhóm nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, như: Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp hiện hữu trên địa bàn; triển khai xây dựng Cụm công nghiệp An Lập, Long Tân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền phát triển du lịch sinh thái; đẩy mạnh thực hiện các chương trình lớn như quy hoạch và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới…

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=481
Quay lên trên