Dầu Tiếng là huyện phía Bắc của tỉnh, nơi có những xã vùng xa còn nhiều khó khăn. Cũng như các địa phương khác, ở đây câu chuyện về những học sinh (HS) nghèo vượt khó học tập luôn khiến chúng ta xúc động. Để tiếp thêm sức mạnh cho những mầm non tương lai, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm đang nỗ lực từng ngày, bằng những việc làm thiết thực giúp các em được cắp sách đến lớp.
Một tiết học của cô và trò trường Tiểu học Hòa Lộc, xã Minh Hòa
Vượt khó đến trường
Khu vực ven lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa có hơn 60 hộ dân sinh sống ở những căn nhà tạm tách biệt với trung tâm xã. Cuộc sống bà con nơi đây chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên lòng hồ, người có điều kiện thì lên bờ xin đi làm công ty để kiếm thêm thu nhập. Ở nơi mà nỗi lo “cơm áo gạo tiền” còn thường trực thì việc cho con đến trường quả thực là một điều xa vời. Thế nhưng, ở đấy vẫn có những bước chân ngày ngày tới trường mang theo nhiều ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng hơn.
Gia đình chị Miễn Thị Đẹp đang sinh sống trên lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận ấp Hòa Lộc, có 4 người con trai, 2 người con lớn học hết lớp 3 thì nghỉ, còn hai bé đang theo học trường Tiểu học Hòa Lộc. Hàng ngày, người anh dùng thuyền đưa các em lên đất liền để học. Sau đó, hai con trai lớn sẽ cùng cha đi thả lưới kiếm sống. Chị Đẹp chia sẻ: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cho con tới trường để biết đọc, biết viết với hy vọng cuộc sống của các con sau này sẽ đỡ vất vả hơn”.
Cũng giống như bạn bè, đều đặn hàng ngày, em Nguyễn Văn Giang đều được anh trai chở vào bờ bằng chiếc ghe của gia đình rồi đạp xe đạp đến trường. Đặc biệt, dù năm nay đã 12 tuổi nhưng Giang vẫn đang học lớp 2 tại trường Tiểu học Hòa Lộc. Giang chia sẻ: “Em rất vui khi được đến trường học tập cùng các bạn. Đến trường, em có nhiều bạn mới, được thầy cô giáo dạy nhiều điều hay, lẽ phải”.
Đường đến trường khó khăn, kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng nhiều gia đình vẫn quyết tâm cho con đi học. Hành trình tìm con chữ của những đứa trẻ bên lòng hồ Dầu Tiếng còn nhiều gian nan, thử thách. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các thầy cô giáo và sự quyết tâm của HS, hy vọng những “mầm non” nơi đây sẽ phát triển và tỏa sáng.
Cùng chung tay, góp sức
Chúng tôi tới trường Tiểu học Hòa Lộc trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 3. Dường như cái nắng gay gắt ấy không làm giảm không khí học tập của cô và trò nơi đây. Dẫn chúng tôi đi thăm trường, cô Đặng Thị Xuân Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường là nơi học tập của các em HS trên địa bàn 2 ấp Hòa Thành và Hòa Lộc của xã Minh Hòa. Nhà trường hiện có 230 HS/8 lớp, trong đó có 35 HS thuộc các hộ dân ở lòng hồ Dầu Tiếng và 63 HS dân tộc thiểu số được phân bố đều từ lớp 1 đến lớp 5.
“Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Xuyên suốt trong năm học, nhà trường cũng đã vận động các nguồn xã hội hóa để trao học bổng, tặng quà, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, sách vở… cho các em với mong muốn phần nào san sẻ gánh nặng cho gia đình các em”, cô Thu cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Dầu Tiếng cho biết, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục - đào tạo huyện cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương thực hiện nhiều hoạt động, chương trình nhằm huy động nguồn lực chăm lo cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn không để HS nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học.
Theo ông Tạ Tấn Tuấn, huyện Dầu Tiếng hiện có 30.366 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 227 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 1.431 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhằm giúp các em HS nghèo đến trường, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Theo đó, thời gian qua, huyện Dầu Tiếng cùng các ban ngành, đoàn thể đã vận động các tổ chức, cá nhân thực nhiều hoạt động “Tiếp sức đến trường” cho các em HS, như: Trao tặng học bổng, dụng cụ và đồ dùng học tập, xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế…
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, nhiều em HS nghèo ở Dầu Tiếng đã có điều kiện đến trường, đạt được thành tích cao trong học tập. Tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng đồng, HS nghèo ở huyện Dầu Tiếng sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, trở thành những công dân có ích góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Huyện Dầu Tiếng hiện có 30.366 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 227 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 1.431 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhằm giúp các em HS nghèo đến trường, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ để các em có điều kiện đến trường và đạt được thành tích cao trong học tập. |
HỒNG PHƯƠNG