Huyện mới Bàu Bàng sẽ phát triển đồng bộ
Hôm nay (29-3), huyện Bàu Bàng chính thức công bố thành lập. Được tách ra từ một huyện có nền công nghiệp phát triển mạnh là Bến Cát, Bàu Bàng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp-nông nghiệp - thương mại dịch vụ. Với lợi thế về hạ tầng giao thông và công nghiệp, nhất là khu công nghiệp (KCN) và đô thị Bàu Bàng đã hình thành và đi vào hoạt động, không lâu nữa công nghiệp và đô thị Bàu Bàng sẽ bứt phá, tạo nền tảng cho các lĩnh vực khác phát triển…
Tất cả đã sẵn sàng
Sau một thời gian nỗ lực chuẩn bị, huyện mới Bàu Bàng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014. Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng Nguyễn Hữu Chí cho biết hiện trụ sở làm việc của khối Đảng, Nhà nước và các cơ quan của huyện đã hoàn thành, sẵn sàng để bộ máy Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị đi vào hoạt động.
Một góc Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng
Cùng với sự chuẩn bị về trụ sở làm việc, công tác quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính Bàu Bàng cũng đã được công bố. Theo đó, quy họach chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 khu trung tâm hành chính của huyện có quy mô hơn 91 ha nằm tại KCN và đô thị Bàu Bàng thuộc 2 xã Lai Uyên và Lai Hưng với dân số đến năm 2020 là 59.308 người, bao gồm 2 khu: Khu A là khu trung tâm hành chính tập trung có diện tích hơn 34,4 ha tại ấp 5, xã Lai Uyên; khu B gồm các công trình dịch vụ đô thị và nhà ở an sinh xã hội có vị trí tại trung tâm KCN Bàu Bàng với diện tích hơn 56,6 ha. Tại khu B còn có UBND thị trấn, công an huyện trú đóng.
Theo quy hoạch chi tiết, Trung tâm Hành chính Bàu Bàng cân bằng sử dụng 24 loại đất phục vụ đầu tư hạ tầng. Tại khu A, đất trung tâm hành chính tập trung có diện tích 17.902m2, đất trung tâm hội nghị triển lãm là 11.842m2, đất cây xanh và quảng trường là 96.874m2. Tại khu B, đất xây dựng nhà ở an sinh xã hội là 165.375m2, đất trung tâm thương mại phức hợp là 53.380m2. Đất dành cho các trường học ở khu A và khu B là 84.463m2, đất giao thông ở cả 2 khu hơn 88.000m2, đất xây dựng các công trình văn hóa - thể thao hơn 67.000m2...
Ngoài ra, Trung tâm Hành chính Bàu Bàng còn được quy hoạch đáp ứng 6 chức năng cơ bản là trung tâm chính trị - hành chính huyện mới và thị trấn; trung tâm thương mại - dịch vụ cấp huyện, thị; trung tâm các công trình dịch vụ đô thị cấp huyện; khu nhà ở an sinh xã hội với một không gian sống tốt nhất; đầu mối giao thông của khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương; cửa ngõ phía Bắc của tỉnh và là khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Công nghiệp sẽ bứt phá
Với quy hoạch theo hướng phát triển công nghiệp kết hợp đô thị hiện đại và văn minh, Bàu Bàng liên kết cao với các đô thị trong tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên thực tế, Bàu Bàng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp gắn với thương mại và dịch vụ vì có vị trí giao thông thuận lợi, nằm ngay trên quốc lộ 13, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Đây chính là những yếu tố quan trọng để Bàu Bàng có thể phát huy tiềm năng trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bàu Bàng là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, tại KCN Bàu Bàng do Becamex IDC làm chủ đầu tư, mặc dù mới đi vào hoạt động trong một thời gian chưa lâu nhưng đã thu hút được 38 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 236 triệu USD. Hiện đã có nhiều dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… đi vào hoạt động, như: Công ty TNHH Hotta Việt Nam, Công ty Sun Wood Vina, Công ty TNHH Emivest, Công ty TNHH Yongho Vina… Đánh giá về môi trường đầu tư tại Bàu Bàng, nhiều nhà đầu tư cho rằng nơi đây có hạ tầng công nghiệp tốt, sẵn quỹ đất sạch, nguồn lao động dồi dào, mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh với các tỉnh, thành nên rất thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, dự kiến huyện Bàu Bàng sẽ có 8 đơn vị hành chính, gồm: Thị trấn Bàu Bàng và 7 xã là Lai Uyên, Lai Hưng, Cây Trường, Trừ Văn Thố, Long Nguyên, Tân Hưng, Hưng Hòa. Huyện Bàu Bàng có tổng diện tích là 33.915 ha, dân số hơn 82.000 người.
Nhận định về sự phát triển của Bàu Bàng trong tương lai gần, Tổng Giám đốc Tập đoàn KyungBang của Hàn Quốc cho rằng công nghiệp nơi đây sẽ phát triển mạnh. Từ nhận định đó, Tập đoàn KyungBang đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi tại đây và hiện Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đã đưa nhà máy sản xuất sợi giai đoạn một với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD đi vào hoạt động. Tin tưởng Bàu Bàng sẽ trở thành trung tâm của ngành dệt sợi Việt Nam, đầu năm 2014 Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 54,2 triệu USD để mở rộng sản xuất sợi cotton chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các công ty dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.
Có thể nói, công nghiệp Bàu Bàng thời gian tới sẽ có thêm nhiều động lực để bứt phá, bởi Bình Dương đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp và đô thị cho Bàu bàng để huyện mới Bàu Bàng có điều kiện bắt nhịp nhanh, xứng tầm với sự phát triển của tỉnh. Ngoài quốc lộ 13, con đường Mỹ Phước - Tân Vạn với nhiều trục kết nối với Bàu Bàng đang được triển khai, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này có thể vận chuyển hàng hóa hiệu quả. Cũng tại Bàu Bàng, để đón đầu cơ hội Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng KCN chuyên ngành nhằm phục vụ cho các ngành có lợi thế nhất với TPP, là điểm đến cho những ngành công nghiệp phụ trợ phát triển...
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới của Bàu Bàng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Chí, nhấn mạnh Bàu Bàng sẽ chú trọng phát triển đồng bộ giữa công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Ông tự tin cho biết, hiện nay trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nhưng với sự phát triển nhanh của KCN và đô thị Bàu Bàng (quy mô diện tích hơn 2.166 ha), cùng với các KCN Lai Hưng, Cây Trường sẽ được xây dựng trong thời gian tới, huyện mới Bàu Bàng sẽ có điều kiện để phát triển theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại dịch vụ như định hướng đã đề ra.
M.TRỌNG