Huyện Phú Giáo: Nhiều nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 11-04-2014 | 00:00:00

 Đào tạo những nghề phù hợp

Phú Giáo là huyện có phần đông dân số thuộc khu vực nông thôn, vì vậy những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lựa chọn ngành nghề đào tạo bảo đảm sau đào tạo các học viên có thể vận dụng vào thực tiễn lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. Huyện đã không ngừng xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, vượt khó khăn tạo điều kiện cho việc dạy nghề nông thôn ngày càng thuận lợi. Riêng trong năm 2013, huyện đã tổ chức 18 lớp dạy nghề với 498 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn với các ngành nghề như trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng..., đạt 191% so với kế hoạch đầu năm (kế hoạch đào tạo 260 học viên).

   Các học viên tham gia lớp học nghề nấu ăn đãi tiệc tại thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo) Ảnh: T.BÌNH

Thị trấn Phước Vĩnh là địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động ở địa phương của huyện Phú Giáo. Những năm trước, số người đi làm công nhân cạo mủ cao su cho các doanh nghiệp trồng cao su khá đông, tuy nhiên gần đây giá mủ cao su xuống thấp nên số lượng công nhân được nhận vào làm tại các doanh nghiệp trồng cao su giảm hẳn, nhiều lao động trên địa bàn phải loay hoay tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống. Do vậy, các lớp dạy nghề mở tại thị trấn rất ý nghĩa và thiết thực trong giải quyết bài toán khó về lao động và việc làm. Chỉ tính riêng quý 1 năm nay, UBND thị trấn phối hợp với Trung tâm đào tạo nghề của Hội Nông dân tỉnh đã mở được 2 lớp đào tạo nghề cho lao động tại địa phương là lớp dạy kỹ thuật chăm sóc hoa lan, cây cảnh và lớp nấu ăn đãi tiệc với số lượng 101 người.

Ông Huỳnh Huy Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Vĩnh, cho biết các lớp dạy nghề được mở tại xã rất phù hợp với lao động địa phương vì không cần trình độ cao, đi học có thêm phụ cấp; sau đào tạo đều có thể vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, tạo cơ hội tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo.

Tới thăm lớp dạy nghề thiết kế và tạo mẫu tóc cho lao động nông thôn xã Tân Hiệp (do Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Phú Giáo tổ chức) không khí học tập trong lớp rất nghiêm túc. Tham gia lớp học đều là những lao động nông thôn, do không có nghề nghiệp nên cuộc sống rất bấp bênh. Do vậy, khi có chủ trương mở lớp người dân hăng hái tham gia, ai cũng có ý thức học tập tốt để nắm bắt những kiến thức cơ bản giúp có việc làm ổn định hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tao Thanh Xuân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện có nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm chỉ đạo của huyện, bên cạnh đó phải kể đến ý thức học tập của các học viên tại các lớp dạy nghề rất tốt, dù nhiều học viên nhận thức còn hạn chế nhưng họ luôn nỗ lực để tiếp thu kiến thức. “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phú Giáo đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn Phú Giáo”, ông Xuân nói.

Đào tạo nghề gắn với tiêu chí nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đã làm được, ông Tao Thanh Xuân cũng cho rằng, trong công tác thực hiện đào tạo nghề huyện còn bộc lộ những hạn chế như một số lớp học nghề mở ra chưa phù hợp như nghề như sửa xe, nghề cắt tạo mẫu tóc. Vì thời gian đào tạo cho một khóa học còn quá ngắn (từ 1 tháng rưỡi đến 3 tháng) trong khi hai nghề này lại đòi hỏi thời gian học phải dài hơn mới tích lũy được đầy đủ kiến thức. Do vậy, nhiều học viên sau khi tham gia các lớp học này ra rất khó xin việc.

 Với những nỗ lực của địa phương, trong năm 2013, toàn huyện Phú Giáo đã có thêm 700 lao động nông thôn có việc làm ổn định. Hầu hết số lao động này làm việc tại hộ gia đình, các doanh nghiệp trồng cao su. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện cuối năm 2013 còn 2,68% theo tiêu chí hộ nghèo của tỉnh (so với đầu năm là 7%).

Để khắc phục những hạn chế nói trên, ông Đoàn Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tổ chức sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề ở cấp cơ sở; hỗ trợ học viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn học nghề. Đồng thời, huyện sẽ có những chính sách phù hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao nhận thức, cũng như tạo việc làm mới cho người lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với cơ cấu phát triển của huyện; phát huy hơn nữa vai trò của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Phú Giáo phấn đấu trong năm 2014 sẽ phối hợp tổ chức 12 lớp dạy nghề cho 240 lao động nông thôn trên địa bàn huyện, giới thiệu việc làm cho 700 lao động cho các xã, thị trấn.

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên