Huyện Phú Giáo: Phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực

Cập nhật: 09-03-2024 | 06:05:53

Huyện Phú Giáo với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng, trong đó có các cây trồng chủ lực như cao su, cây ăn trái và rau màu. Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, việc phát triển bền vững cây trồng chủ lực sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân địa phương.

Ứng dụng mạnh công nghệ cao

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá cả thị trường và dịch bệnh, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là hướng đi đúng đắn cho ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo. Bên cạnh phát triển cây cao su, các trang trại trồng cây ăn trái trên địa bàn phát triển mạnh như cam, bưởi, quýt, sầu riêng. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần hình thành nhiều trang trại nông nghiệp ứng dụng CNC.


Nhiều hộ dân ứng dụng CNC vào sản xuất cây trồng chủ lực cho năng suất cao, giá trị lớn. 
Trong ảnh: Vườn sầu riêng của hộ anh Đặng Văn Xuân (bên phải) thu hoạch khoảng 40 tấn/năm

Trên vùng đất đỏ bazan ở xã Tân Hiệp trước đây người nông dân chuyên trồng cây cao su và cây hoa màu để mưu sinh. Tuy nhiên, nhận thấy điều kiện tự nhiên thường xuyên biến động, đất đai bạc màu, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cây trồng lâu năm, ông Đặng Văn Xuân ở tổ 6, ấp 5 đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với giấc mơ làm giàu trên vùng đất quê hương.

Thanh lý vườn cây cao su già cỗi, ông Đặng Văn Xuân mạnh dạn cải tạo lại đất để đầu tư chuyên canh sầu riêng, kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng hàng chục năm tuổi sắp vào mùa trổ bông, ông Đặng Văn Xuân, cho biết: “Vườn cây có 650 gốc trên diện tích hơn 4 ha. Hiện nay đã có khoảng 250 gốc sầu riêng cho quả thu hoạch”.

Để có chỗ đứng ổn định trên thị trường, ông Đặng Văn Xuân áp dụng trồng theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón sinh học và đăng ký mã vùng trồng theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mỗi một mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi tìm về thu mua nên ông Đặng Văn Xuân không phải lo lắng về thị trường đầu ra. Ước tính mỗi năm cho thu hoạch với sản lượng gần 40 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Cuộc sống gia đình ông Xuân sung túc trong căn biệt thự nhà vườn có đầy đủ tiện nghi.

Không riêng hộ ông Xuân, đa phần nông dân ở huyện Phú Giáo mạnh dạn ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn còn hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng CNC có quy mô lớn, điển hình như Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cũng chú trọng ứng dụng CNC vào sản xuất như HTX Nông nghiệp CNC Kim Long (xã An Bình), HTX Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang), HTX ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa), HTX Nông nghiệp Phước Thành (thị trấn Phước Vĩnh)...

Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, đến nay nhiều hội viên nông dân hưởng ứng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, OCOP, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương.


Vườn dưa lưới của thành viên HTX Nông nghiệp CNC Kim Long

Hỗ trợ liên kết tiêu thụ

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Giáo, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trồng bưởi da xanh, sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu bán qua thương lái, giá cả thu mua không ổn định, lệ thuộc. Nhằm kịp thời hỗ trợ giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản cho nông dân, đặc biệt là 3 nhóm cây trồng giá trị kinh tế cao, diện tích canh tác tương đối lớn huyện đã có nhiều giải pháp tích cực.

Huyện đã hình thành các kênh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản như liên kết thu mua dưa lưới giữa Công ty U&I với 20 hộ dân; liên kết thu mua giữa HTX Kim Long với 30 xã viên... Đặc biệt huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho tiêu, cam, bưởi, đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã vùng trồng cho 27 nông hộ trồng sầu riêng, với tổng diện tích 82,7 ha. Nhờ áp dụng công nghệ 4.0, nông dân huyện Phú Giáo hôm nay sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, định hướng của huyện là phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang thương hiệu địa phương, từ đó nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân. “Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành trong huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương”, ông Đoàn Văn Đồng cho biết.

Huyện Phú Giáo hiện có 547 cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt. Đến nay, cây cam, bưởi, quýt, sầu riêng được xem là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, đã hình thành vùng trồng tập trung ven sông, suối, với diện tích khoảng hơn 1.606 ha.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1105
Quay lên trên