Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Cập nhật: 22-10-2012 | 00:00:00

  Các đồng chí Tư Mau (bên trái), Lê Đức Thọ và Bông Văn Dĩa chụp ảnh ở Cà Mau

Chưa từng có trong lịch sử hàng hải

Đi trên những con tàu không  số là những cảm tử quân. Vượt  biển Đông vào Nam là đi vào nơi  tử địa, vượt qua vòng vây dày đặc  tàu chiến và máy bay địch. Tàu  nhỏ chỉ 50 - 100 tấn mà dám vượt  tuyến biển ba bốn ngàn hải lý để  vận tải vũ khí chi viện cho miền  Nam suốt 14 năm trời là chuyện  chưa từng có trong lịch sử hàng hải  thế giới. Họ là những người anh  hùng đích thực. Từ chỗ miền Nam  phải đánh giặc bằng hầm chông,  súng kíp, súng ngựa trời, nhờ có  những chuyến hàng từ tàu không  số mà bộ đội chủ lực, dân quân  của ta có nhiều loại vũ khí hiện đại  như DKZ, B40, B41, đại liên 6,7 li,  AK47, thuốc nổ TNT, súng phòng  không 12,7 li, cả thủy lôi sừng  chạm của Liên Xô mỗi quả nặng  đến 1.070kg. Chính những quả  thủy lôi này đã đánh chìm tàu vận  tải quân sự Baton Rouge Victory  của hải quân Mỹ trên sông Lòng  Tàu ngày 23-8-1966, mang theo  cả trăm thiết giáp M113, 3 máy bay  chiến đấu và rất nhiều hàng.

 “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”

Thực hiện Nghị quyết 15 của  Bộ Chính trị, ngày 19-5-1959,  “Đoàn quân sự đặc biệt” (Đoàn  559) được thành lập. Đó là khởi  nguồn của đường Trường Sơn  lịch sử. Tháng 7-1959, Bộ Tổng tư  lệnh thành lập Tiểu đoàn vận tải  thủy 603, chi viện cho miền Nam  bằng đường biển. Tiểu đoàn được  mang tên “Tập đoàn đánh cá sông  Gianh”. Tiểu đoàn 603 chuyến ra  quân đầu tiên vận chuyển 5 tấn vũ  khí và thuốc men vào Nam. Nơi  đổ hàng là bến Hồ Chuối ở chân  đèo Hải Vân. Con tàu ra đi và mất  tích cùng 5 thủy thủ do thuyền  trưởng Nguyễn Bắc chỉ huy. Sau  thất bại này, Quân ủy thành lập  đơn vị vận tải thủy mới với mật  danh là Đoàn 759 (tức tháng  7-1959). Đoàn 759 đi tìm người  gốc Nam bộ và Liên khu 5 có kinh  nghiệm đi biển ở các bộ, điều động  về. Đồng thời Quân ủy chỉ thị cho  Trung ương Cục miền Nam chỉ  đạo các tỉnh ven biển miền Trung  và Nam bộ chuẩn bị bến bãi và tổ  chức tàu thuyền vượt biển ra Bắc  nhận vũ khí. Đến tháng 8-1961,  đã có 5 chiếc thuyền vượt biển  từ miền Nam ra Bắc. Bến Tre 2  thuyền, Cà Mau, Trà Vinh và Bà  Rịa 1. Đó là những chiếc thuyền  gỗ thô sơ, giả thuyền đánh cá. Việc  vượt biển ra Bắc thành công của  những con thuyền miền Nam đã  tạo ra hướng mới vận chuyển vũ  khí bằng đường biển. 

Để chuẩn bị thật kỹ phương án  mới, các thủy thủ trên thuyền Cà  Mau được đưa xuống thuyền trở  lại miền Nam để nghiên cứu tình  hình hoạt động của địch trên biển,  tìm bến bãi để “xuống hàng”. Con  tàu trinh sát rời bến Nhật Lệ đêm  10-4-1962. Sau 4 tháng vào Nam  trinh sát các bến đỗ Phú Quốc,  đảo Thổ Chu, Hòn Chuối, Hòn  Ông, Hòn Bà... cuối cùng khẳng  định Vàm Lũng (rạch Kiến Vàng,  Tân An, Cà Mau) là địa điểm làm  bến tốt nhất, rừng đước mênh  mông bảo đảm cho việc cất giấu  tàu tốt, bốc dỡ hàng kín đáo.  Tất cả số thủy thủ miền Nam  ra đều bổ sung vào Đoàn 759,  tổng cộng có 38 người, trong đó  có 20 người vừa từ miền Nam ra.  Ông Đoàn Hồng Phước, Tham  mưu trưởng Sư đoàn 330, được  bổ nhiệm làm đoàn trưởng. Từ  đây, ngày 23-10 trở thành dấu  mốc lịch sử, là ngày truyền  thống của Đoàn 759 - đoàn tàu  không số. 

Sau hơn một năm chuẩn bị,  ta bí mật đóng mới được 4 tàu  gỗ hai đáy, trọng tải 30 tấn trở  lên. Và 22 giờ ngày 11-10-1962,  chiếc tàu gỗ đầu tiên được gọi  là “Phương Đông 1” cùng với  13 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê  Văn Một và chính trị viên Bông  Văn Dĩa chỉ huy, chở hơn 30 tấn  hàng hóa rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn  lên đường đi Cà Mau. Sau 9 ngày  đêm vượt biển, tàu Phương Đông  1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà  Mau. Ngày 19-10, ông Phạm Thế  Bường, Bí thư Khu ủy Khu 9,  điện cho Quân ủy Trung ương:  “Tàu Lê Văn Một - Bông Văn  Dĩa đã về đến nơi an toàn...”.

 “Vận tải công khai”

Từ năm 1962-1965, những  thủy thủ tàu không số đã thực  hiện thành công 90 chuyến chở  4.919,636 tấn vũ khí, quân trang,  thuốc men vào chi viện cho  chiến trường. Sau vụ tàu 143 của  thuyền trưởng Lê Văn Thiêm và  chính trị viên Phan Văn Bảng  chở 63 tấn vũ khí cập bến Vũng  Rô bị địch phát hiện ngày 15-2-  1965, con đường bí mật trên biển  Đông đã bị lộ. Từ đó, Hạm đội  7 Mỹ tung 40% lực lượng tàu  chiến, cùng máy bay và tàu của  hải quân chính quyền Sài Gòn  phong tỏa biển Đông rất gắt gao.    Tàu không số trên biển

Trước tình thế khó khăn đó,  Tư Mau (tức Phan Văn Nhờ) đề  nghị Khu ủy Khu 9 báo cáo Quân  ủy Trung ương cho chuyển hướng  “vận tải công khai”. Quân khu 9  cử ngay Tư Mau ra Bắc để bàn với  Quân ủy Trung ương về phương  thức vận tải hợp pháp này. Tư  Mau là một người mưu trí, gan dạ,  nhiều kinh nghiệm đi biển và có  những sáng tạo hết sức táo bạo,  nguyên Đoàn trưởng Đoàn vận  tải 962 của Quân khu 9. Tư Mau  nhờ bà Võ Thị Đảnh (cơ sở của ta)  đứng tên mua một chiếc thuyền  đánh cá, lắp máy Nhật 33 mã lực,  với mã số đăng ký là 3308KG.  Sau một thời gian chuẩn bị, ngày  11-3-1971, thuyền do Bí thư Chi bộ  Tư Mau lái, Tám Sơn làm thuyền  trưởng cùng 3 chiến sĩ rời cảng  Rạch Giá ra Bắc. Trưa ngày 30-3,  tàu cập bến Đồ Sơn. Sau khi nghe  Tư Mau báo cáo, Cục Tác chiến,  Bộ Tư lệnh Hải quân trình bày đề  án, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  nói: “Quân ủy đồng ý cho Quân  khu 9 sử dụng phương thức vận  chuyển “công khai”. Bộ Tư lệnh  cung cấp mọi chi phí cho công  tác này. Trước mắt gửi cho quân  khu 20.000 đô la Mỹ và 2 triệu  tiền Sài Gòn; đồng thời cho đóng  10 thuyền ở miền Bắc theo kiểu  thuyền đánh cá Nam bộ. Giao cho  hải quân lo bến bãi ở miền Bắc,  chọn các đồng chí là người miền  Nam lớn tuổi, có kinh nghiệm đi  biển ở Đoàn 125 tăng cường cho  đội thuyền Quân khu 9. Quân ủy  không đồng ý chọn đảo Nam Du  làm điểm trung chuyển hàng vì ở  đó dân qua lại làm ăn nhiều, dễ bị  lộ. Giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân  chọn 5 điểm ở quần đảo phía vịnh  Thái Lan và Malaysia, cho tàu chở  hàng từ Bắc vào đó, rồi Quân khu  9 đưa thuyền hợp pháp ra chuyển  vào bờ”. 

Ngày 28-4-1971, thuyền  đánh cá do Tư Mau làm chính  trị viên cùng 4 thuyền viên rời  vịnh Hạ Long mang theo vũ  khí vào chiến trường. Đoàn 125  cử tàu V605 do thuyền trưởng  Nguyễn Đình Phồn chỉ huy đi  hộ tống. Đội thuyền qua đảo Hải  Nam, rồi đến Hoàng Sa thì được  lệnh quay lại để chuẩn bị thêm.  Ngày 27-6 tiếp tục ra biển, lần  này không có tàu hộ tống. Ngày  7-7, đội thuyền đã cập cảng  Rạch Giá an toàn. Sau đó bằng  phương thức địch không ngờ  tới này, anh em còn đi nhiều  chuyến thành công nữa.  Để hoạt động công khai, cuối  tháng 7-1972, Tư Mau trong vai  một nhà tư sản đến mua căn nhà  số 27/20 đường Âu Dương Lân,  phường Rạch Ông, quận 8, Sài  Gòn. Lấy danh nghĩa là một gia  đình chủ tàu đánh cá, Tư Mau xin  giấy phép thành lập Công ty Việt  Long, chuyên chở hàng thuê đi  miền Trung, mua bán thuyền đi  biển, máy cũ và cây cảnh. Đoàn  371 đã mua các thuyền SG66,  SG67, SG158, SG159 để vận  chuyển vũ khí và mua 3 thuyền  vận tải VT235, VT254, 2674KG  để đi làm kinh tế kết hợp nghi  trang che mắt địch. Công ty còn  mướn thợ đóng 2 chiếc tàu ở  Biên Hòa trọng tải 120 tấn, 500  mã lực có gắn máy lạnh. Công  ty có 10 kho cất giấu vũ khí,  hàng hóa ở ngay Sài Gòn. Thời  gian này Công ty Việt Long (tức  Đoàn 371) thường xuyên tổ chức  mỗi chuyến 2 thuyền, có lần 3  thuyền ra vịnh Hạ Long nhận vũ  khí, mỗi lần từ 15 đến 27 tấn về  bến an toàn. Bến giao hàng cũng  được điều chỉnh. Ngoài bến  Đông Cùn, Đoàn 371 mở thêm  Bến Hố, Cà Mau, Trà Vinh. Cơ  sở của đoàn mở rộng từ Rạch  Giá đến duyên hải Trà Vinh,  Vũng Tàu, Sài Gòn và Long  Hải (Bà Rịa). Đoàn 125 ở Bắc  có nhiệm vụ tiếp đón các đội  công tác, sửa chữa tàu thuyền,  chuyển giao hàng và hộ tống  thuyền của đoàn qua các vùng  biển phức tạp. (Còn tiếp)

C.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=440
Quay lên trên