Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Cập nhật: 23-10-2012 | 00:00:00

(Tiếp theo kỳ trước)

Trong suốt 14 năm hoạt động (từ 1961-1975), trên các chuyến đi “xẻ dọc biển Đông” của những con tàu không số, ngoài nhiệm vụ chở vũ khí, hàng hóa, thuốc men còn làm nhiệm vụ đưa, đón hàng ngàn vị khách là các sĩ quan quân đội đi chiến trường; cán bộ các bộ, ngành, hội đoàn đi xây dựng vùng giải phóng... 

Đồng chí Lê Đức Anh (thứ hai từ phải sang) tại Lộc Ninh

Thay đổi hẳn gương mặt

Sau vụ phản bội của một cán bộ công ty do đồng chí Tư Mau làm chủ, Đoàn 371 bị tổn thất nặng nề. 100 cán bộ và công nhân bị bắt, văn phòng ở Sài Gòn và một số thuyền bị địch tịch thu. May thuyền vẫn còn lại 5 chiếc, trong đó 4 chiếc đang ở miền Bắc với 23 người, trong đó có 3 cán bộ chỉ huy là Tư Mau, Mười Thượng, Mười Khanh; một thuyền ở Bến Hố không bị lộ, lực lượng ở các bến vẫn còn đầy đủ. Quân khu 9 điện cho biết, bọn phản bội đã cung cấp cho địch nhân dạng Tư Mau. Vì thế Tư Mau đề nghị: “Thay đổi hẳn gương mặt tôi”. Thế là Tư Mau phải đi phẫu thuật chỉnh hình ở Bệnh viện 108. Nhổ chân mày từ cong, dài, làm cho thẳng và ngắn lại. Mũi bạnh ra, miệng cũng rộng hơn. Khi vết mổ đã lành, Tư Mau về gặp đồng chí Lê Đức Anh ở Bộ Tổng tham mưu. Tư Mau hỏi: “Anh coi tôi có khác không?”. Đồng chí Lê Đức Anh lắc đầu: “Mình vẫn nhận ra mà! Chưa được đâu”. Thế là Tư Mau lại vào Bệnh viện 108, cắt sườn non độn cho mũi cao lên. Bứng hết cả da đầu, xoay ngược mái tóc từ trước ra sau. Đốt má cho đầy tàn hương. Đốt cả đầu ngón tay để làm biến dạng dấu vân tay. Lần này về Bộ Tổng tham mưu, đồng chí Lê Đức Anh không nhận ra được, Tư Mau lên đường về Nam theo đường Trường Sơn... Một thời gian sau ở Sài Gòn xuất hiện một nhà tư sản mới, chủ vựa cá Sáu Thuận. Và những đoàn thuyền hợp pháp lại ra Bắc chở vũ khí vào cho Quân khu 9 cho đến năm 1975...

Bằng phương thức hoạt động công khai này, từ đầu năm 1972 đến cuối năm 1973, Đoàn 371 đã thực hiện 37 chuyến ra Bắc, chở 600 tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh vào chiến trường Nam bộ an toàn, bí mật.

Những vị khách đặc biệt

Trong số hàng ngàn người đó, có những vị khách rất đặc biệt: Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh và bà Nguyễn Thụy Nga (tức Bảy Vân, người vợ miền Nam của đồng chí Lê Duẩn). Ngoài ra còn có bác sĩ Bảy Thủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam; Nguyễn Thiện Thành, giáo sư - bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất... Các vị khách đặc biệt này đi vào Nam bằng tàu không số, trong thời gian biển Đông bị tàu chiến, máy bay Hạm đội 7 của Mỹ và hải quân Sài Gòn phong tỏa dữ dội nhất.

Có lẽ người phụ nữ Việt Nam vào Nam bằng tàu không số sớm nhất là bà Nguyễn Thụy Nga, lên đường vào ngày 5-1-1965.  

Những con tàu không số làm nên huyền thoại

Chuyến tàu không số ấy mang bí danh 69 do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước quê ở Long Thạnh, Bạc Liêu chỉ huy. Đi cùng bà Nguyễn Thụy Nga còn có 4 đại tá quân đội và nhiều tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Lịch trình là 7 ngày, nhưng lệnh từ Trung ương là nếu Hạm đội 7 Mỹ chặn đường thì phải quay lại. Đã 3 lần chỉ huy sở gọi lại, nhưng may chỉ phải dừng ở đảo Hải Nam một lần. Sau chuyến đi nhiều sóng gió, tàu đã cập bến an toàn.

Theo ấn phẩm Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 9-7- 1973, tàu chở đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), lúc đó là Bí thư Khu ủy Quân khu 9, từ miền Bắc trở lại Nam bộ. Sau khi được tàu của Đoàn 125 chở từ Hải Phòng sang đảo Hải Nam, đồng chí Sáu Dân chuyển sang chiếc thuyền đánh cá SG159 của Đoàn 371 do Thôi Văn Nam làm thuyền trưởng. Vì chở “khách đặc biệt” nên trong chuyến này có cả Tư Mau, Đoàn trưởng 371, cùng đi. Tới vùng biển Cam Ranh thì thuyền bị rò nước phải ghé vào Cà Ná để sửa chữa. Trong vai một thương gia ở miền Nam, đồng chí Sáu Dân cùng “đội thuyền đánh cá” có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, nên sau khi sửa xong, con tàu tiếp tục hành trình về cập bến Vàm Hố ở Cà Mau an toàn.

Can trường trên biển Đông

Cuối tháng 11-1973, Đoàn 371 được giao nhiệm vụ chở đồng chí Sáu Nam (tức Lê Đức Anh), lúc đó là Tư lệnh Quân khu 9, từ Nam bộ ra miền Bắc công tác. Đây là một chuyến đi vô cùng gian khổ và trắc trở, suýt không thành.

Để an toàn, Đoàn 371 đã bố trí hai con tàu cùng đi, do Đoàn trưởng Tư Mau trực tiếp chỉ huy, đồng chí Lê Đức Anh đóng vai người phụ bếp. Thuyền SG159 chở đồng chí Lê Đức Anh và Tư Mau do thuyền trưởng Thôi Văn Nam điều khiển. Thuyền SG158 làm nhiệm vụ hộ tống do Nguyễn Sơn làm thuyền trưởng cùng với 5 thuyền viên. 18 giờ ngày 26-11, hai thuyền rời bến Vàm Hố (Cà Mau) ra khơi. Đêm đến, gặp sóng gió lớn, thuyền SG159 bị sự cố nước tràn vào nhiều. Để bảo đảm an toàn, Tư Mau báo cáo và đề nghị đồng chí Lê Đức Anh chuyển sang tàu SG158. Còn Đoàn trưởng Tư Mau ở lại thuyền cùng anh em vừa bơm vừa tát nước ra. Trưa ngày 27-11, khi thuyền ở ngoài khơi tỉnh Trà Vinh, mọi người thấm mệt, nước vào ngày càng nhiều. Không thể khắc phục được, Đoàn trưởng Tư Mau đành ra hiệu cho tàu của Nguyễn Sơn cập mạn để mọi người chuyển qua thuyền SG158. Còn thuyền SG159 không người lái, nước vào đầy, chìm dần xuống biển. Thuyền SG158 cũng bị rò nước, nhưng ít hơn. Người thì đông mà thuyền chỉ có một chiếc. Chi bộ hội ý quyết định 5 người ở lại, những anh em khác tiếp tục đưa đồng chí Lê Đức Anh ra Bắc. Thế là phải ghé vào bãi ngang Long Hải (Vũng Tàu) để sửa chữa thuyền và đưa bớt người lên bờ.

Ngày 3-12-1973, một cán bộ của đoàn là Ba Tam phản bội, chỉ điểm cho địch đến phá tan các cơ sở hoạt động công khai của Đoàn 371. Ba Tam còn khai với địch là tàu của Công ty Việt Long (vỏ bọc của Đoàn 371) đang chở đồng chí Sáu Nam và Tư Mau ra biển. Hơn trăm người bị bắt, địch thu giữ toàn bộ nhà, xe, tài sản của Đoàn 371 ở Sài Gòn. Nhằm tìm ra tung tích của Tư Mau và Sáu Nam, địch tra tấn anh em rất dã man. Không ai dặn trước, tất cả đều khai là Tư Mau và Sáu Nam đi về miền Tây Nam bộ để đánh lừa sự truy tìm của địch. Sau đó, khi biết là thuyền của ta ra Bắc, địch cho tàu hải quân chặn bắt thuyền chở “đầu sỏ Việt Cộng”, nhưng đã muộn. Lúc đó, ngày 6-12-1973, thuyền chở đồng chí Sáu Nam đã đến ngang Nha Trang, cách đất liền 170 hải lý. 17 giờ ngày 8-12, tàu SG158 tới cảng Hậu Thủy, Hải Nam, Trung Quốc. Ngày 11-12, tàu của hải quân đưa đồng chí Sáu Nam và Tư Mau về miền Bắc Việt Nam trong sự vui mừng, xúc động của mọi người.

Tồn tại 14 năm trong lịch sử, từ năm 1961 đến 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện được 1.879 lượt tàu thuyền; vận chuyển được 152.876 tấn hàng hóa, vũ khí; đồng thời đã chuyên chở được 80.026 lượt cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Chỉ riêng trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện 143 chuyến tàu, chở gần 9.000 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, vận chuyển 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu; tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa và một số đảo ở vùng biển Tây Nam; chở hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, tiếp quản một số quân cảng.

 

C.T (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên