Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Cập nhật: 24-04-2010 | 00:00:00

“Ai trong chúng tôi đều hiểu rằng, mỗi lần ra đi là một lần nguy hiểm, là đứng giữa lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, song mỗi chúng tôi, ai cũng thanh thản, nhẹ nhõm, không có biểu hiện dao động nào”.

 

Đại tá Phạm Duy Tam bắt đầu câu chuyện của mình về những chuyến tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi ông đã tích lũy kinh nghiệm để có chuyến hành quân thần tốc giải phóng Trường Sa.

  

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào Nam

(ảnh do Hải quân Mỹ chụp, nhân vật cung cấp)

7 lần truy điệu sống trước những chuyến đi

 

Nhiều năm đã qua nhưng mỗi dịp đến những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm của những năm tháng hào hùng, máu lửa ùa về trong ký ức của ông già biển cả. Ở độ tuổi gần thất thập, Đại tá Phạm Duy Tam vẫn còn tráng kiện, ông kể lại từng chuyến đi biển. Dường như những chuyến tàu không số chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông.

 

Sinh ra, lớn lên ở Hải Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình), tuổi thơ ông là những năm tháng gắn liền với biển. Từ đầu năm 1969, khi tốt nghiệp trường sĩ quan Hải quân, ông Tam được điều về công tác tại Đoàn 125 Hải quân, Đoàn tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển và bắt đầu trên những con thuyền trực tiếp vận chuyển hàng đặc biệt và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

 

“Tôi được bổ nhiệm phó thuyền trưởng đội tàu 42. Hồi đó làm gì có nhiều điều kiện nên tàu chúng tôi không được trang bị vũ khí, máy móc, khí tài hiện đại như các tàu hải quân ta hiện nay. Rất thô sơ, trên tàu chỉ có một la bàn từ, một đồng hồ thiên văn, một quả bầu trời sao, một máy 1/6 dùng để đo mặt trời, trăng, sao và một bộ kính thiên văn, không có định vị, la bàn con quay, máy đo sâu, máy tính đường, máy móc thông tin liên lạc chủ yếu đánh moóc tạch tè…” - Đại tá Phạm Duy Tam nhớ lại.

 

Thường trước mỗi chuyến đi, đội tàu phải chuẩn bị đầy đủ một tháng lương thực, thực phẩm khô và tươi, dầu, nước các loại đủ một cơ số hành quân vào Thanh Hóa và Nghệ An. Mọi hoạt động đi chợ, nấu ăn đến công tác bảo vệ đều nghiêm ngặt. Trong khoảng thời gian 4 - 5 ngày, toàn thuyền tập trung huấn luyện sử dụng các loại vũ khí, luyện tập xử lý tình huống có thể xảy ra trên biển, các phương án rời tàu, đánh bộc phá khi cần phá hủy tàu….

 

Tuy nhiên, có một điều không thể không thực hiện đó là lễ truy điệu sống cho tất cả những người đi làm nhiệm vụ trên các chuyến tàu không số. Đại tá Tam tâm sự: Người ta gọi chúng tôi là những cảm tử quân vì mỗi lần đi chẳng ai biết trước số phận mình sẽ thế nào. Sự sống và cái chết quá mong manh vì thuyền thì nhỏ mà biển khơi bao la, đặc biệt kẻ thù rình rập. Nhưng không ai sờn lòng. Từng chuyến tàu vẫn lên đường trên “con đường mòn” mới mang ý nghĩa đặc biệt bên cạnh đường Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn”.

 

Cứ thế, gần chục năm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Tam có ít nhất 7 lần được truy điệu sống.  “Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là bí mật con đường. Do đó, trong trường hợp bị địch phát hiện, truy kích có khi phải tự dùng bộc phá để phá hủy tàu, nhằm không để người và vũ khí lọt vào tay giặc và để lộ tuyến đường biển trọng yếu này” - Đại tá Tam nhấn mạnh.

 

Dũng cảm, mưu trí

 

Sau chuyến trinh sát dài nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm 1969 đó, nhiều con tàu không số chở đầy hàng đặc biệt và vũ khí đã vào miền Nam thành công. Trong đó chuyến đi của đội tàu 54 là chuyến đầu tiên góp phần chi viện đắc lực cho quân và dân miền Nam đánh thắng Mỹ ngụy. Không phải ngẫu nhiên Hải quân Mỹ, ngụy lại đặt cho những con tàu không số cái tên “Những con ma trên biển” thể hiện sự sợ hãi và bất lực của chúng - Đại tá Phạm Duy Tam 

Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ nhưng với Đại tá Tam sâu sắc nhất vẫn là chuyến đi  trên đội tàu 42 vào giữa tháng 8 năm 1969. Ông kể lại: Ngày 20-8 năm đó, tàu rời khu neo đậu bí mật để đi làm nhiệm vụ. Tàu xuyên qua vịnh Bắc Bộ, qua bán đảo Lôi Châu, giữa đảo Hải Nam  Trung Quốc, đi giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trung Sa đến quần đảo Hoàng Sa, rồi đến hải đăng Măng Kai thuộc quần đảo NaTyna của Nam Dương…

 

Hơn 10 ngày đêm, vượt chặng đường dài gần 4.500 hải lý (gần 9.000 km), tàu đến khu vực bờ đảo Phú Quốc, và tiếp tục đến đảo Thổ Chu. Tuy không phát hiện thấy động tĩnh của địch nhưng mọi người đều hết sức cảnh giác.

 

Chưa mừng được lâu, ngày 3 - 9, mọi việc trở nên bất lợi. Bầu trời, mặt biển u ám, ảm đạm và tầm nhìn xấu, nhiều máy bay trinh sát của Mỹ bắt đầu nghi ngờ, bám sát mục tiêu. Rồi đồng chí trực ca phát hiện một tàu chiến bất ngờ xuất hiện cách mũi tàu chưa đầy 10km. Mọi người nhanh chóng vào vị trí chiến đấu và chuẩn bị điểm hỏa bộc phá khi cần phá hủy tàu.

 

“Có đến bốn tàu khu trục Mỹ nên nếu không mưu trí sẽ dễ dẫn đến cuộc đối đầu không cân sức. Tôi quan sát những chiếc tàu khu trục này. Chúng nằm chắn ngang trên hướng đi của tàu chúng tôi và đã sẵn sàng nã đạn khi phát hiện động tĩnh.

 

Thời gian rất ngắn. Nếu thay đổi hướng đi ở thời điểm này nhất định tàu khu trục Mỹ sẽ khả nghi và không thể loại trừ xảy ra chiến đấu. Nên chi ủy quyết định, “đường ta, ta cứ đi” vì đây là đường hàng hải quốc tế” - giọng ông rành rọt, gấp gáp tựa hồ chuyến đi biển vẫn còn nguyên trong ký ức  - “Hơn 1 tuần, chúng liên tục bám riết. Ban ngày thì dõi theo xa xa, ban đêm chúng vào gần hơn, có khi nhìn thấy đèn mạn xanh đỏ trên tàu, nhằm vây, ép tàu chúng tôi vào các bãi cạn, san hô, đá ngầm.

 

Nhưng cuối cùng, chúng không thể thắng được sự kiên trì, chủ động, linh hoạt, mưu trí và quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch mà chúng tôi đã đề ra. Đến ngày 9- 9-1969, tàu chúng tôi đã cập bờ an toàn sau chuyến đi nghẹt thở”.

 

Thầm để tang Bác trên biển

 

Gọi vui ông là Ông già biển cả chẳng sai, khi cả cuộc đời Đại tá Phạm Duy Tam gắn với Hải quân, với biển.

 

Từ thuyền trưởng tàu không số, ông lên Hải đội trưởng, Lữ đoàn trưởng, Phó chỉ huy trưởng  Vùng C Hải quân, và làm Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho đến ngày nghỉ hưu. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hướng cặp kính về bức ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng trên tủ, giọng Đại tá Tam trầm buồn: “Chuyến đi biển giữa tháng 8 năm 1969 với chúng tôi không chỉ đáng nhớ vì gặp hiểm nguy, căng thẳng nhất mà còn bởi nhận tin Bác mất ngay trong những ngày còn đang lênh đênh trên biển”.

 

Lúc đó, tàu đến ngang bờ biển Phan Thiết cách đất liền khoảng 120 đến 150km. Cả thuyền nhận được bức điện tối khẩn “Bác Hồ của chúng ta đã ra đi, nhưng các đồng chí không được treo cờ tang, không được để tang, đặc biệt mọi người hành động phải thật bình thường, tuyệt đối không được để cho kẻ địch phát hiện dấu hiệu gì nghi ngờ đó là tàu của Bắc Việt Nam”.

 

“Trong niềm tiếc thương vô hạn, nhưng chúng tôi chỉ biết khóc thầm, cố nén đau thương thành hành động, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ vào đất liền để tang Bác. Vừa cập bờ an toàn, chưa kịp mừng tất cả chúng tôi nước mắt giàn dụa trước nỗi đau quá lớn này. Được phép của các cấp, đội tàu 42 đã để tang Bác một ngày và cho tàu trở về cảng K20 của đơn vị” - giọng Đại tá Tam nghèn nghẹn.

 

(THEO TIỀN PHONG)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên