“Giá vàng trong nước cao hơn thế giới vài triệu đồng/lượng, tâm lý người dân bất an… lẽ ra cơ quan chức năng cần lên tiếng, giải thích lý do vì sao tăng, và biện pháp giữ ổn định như thế nào” - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sĩ Kiêm nói.
Ông cũng cho rằng đôi khi im lặng là cần thiết, nhưng trong tình huống này im lặng không phải là… vàng.
Thị trường vàng đang biến động rất mạnh trong khi NHNN không đưa ra một thông điệp rõ ràng nào về việc ổn định thị trường Bối rối
Trước đà tăng vũ bão của giá vàng thế giới tuần qua, chốt tuần, giá vàng trong nước đứng ở mức cao nhất trong gần 1 năm qua ở mức 46,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Ông Kiêm cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng thế giới tăng ai cũng biết đó chính là chính sách nới lỏng định lượng từ gói kích thích kinh tế của Mỹ, các nước tăng cường dự trữ ngoại hối bằng vàng… Thế nhưng, điều đáng nói chính là mức chênh lệch quá lớn khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 2-3 triệu đồng/lượng. “Có đầu cơ, thổi giá của tổ chức không, hay nhu cầu nắm giữ thực sự của người dân khiến cầu tăng đột ngột mà không đáp ứng kịp, hay vì một lý do nào khác. NHNN là cơ quan quản lý vàng, điều hành thị trường phải có câu trả lời để ổn định tâm lý người dân. Không nên im lặng kéo dài như thời gian qua, ít nhất là một thông điệp để ổn định tâm lý thị trường” - ông Kiêm nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, NHNN có đầy đủ các công cụ can thiệp thị trường vàng từ giải pháp tức thì khi trong tay đang nắm giữ một lượng vàng miếng nhất định, cũng như có cơ chế được nhập khẩu để can thiệp ổn định thị trường tiền tệ theo Nghị định 24 mới ban hành. Bên cạnh đó, nếu có cách xử lý thỏa đáng với các DN đang giữ vàng phi SJC thì hoàn toàn có thể xử lý được vài chục tấn vàng đang chờ chuyển đổi, gia công thành SJC làm tăng thêm nguồn cầu, giữ mặt bằng giá chung so với thế giới.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia nguyên là lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cũng tỏ ra khó hiểu về việc tại sao trong lúc thị trường bất ổn, giá biến động từng giờ nhưng NHNN vẫn không có biện pháp gì can thiệp. “Chắc là có một lý do nào khác, chứ họ hoàn toàn có khả năng can thiệp, quan trọng có muốn hay không thôi” - ông nói. Theo chuyên gia này, tình hình giá vàng hiện nay diễn biến khá phức tạp với xu hướng tăng dài hạn. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời trong ngắn hạn khó tránh khỏi khi giá vàng đã tăng quá nhanh, và mang lại nhiều rủi ro cho nhiều người. Vì vậy, việc công khai, minh bạch thông tin và kiểm soát khoảng cách giữa giá vàng trong nước là tối cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra khá thất vọng đối với cách điều hành và quản lý thị trường vàng thời gian qua: “Thống đốc còn nợ người dân và thị trường một lời hứa đó là giữ ổn định thị trường vàng và giữ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ ở mức 400.000 đồng/lượng”, chuyên gia này nói.
Một vị nguyên là lãnh đạo Vụ Kế toán của NHNN cũng khẳng định bà ủng hộ quan điểm điều hành thị trường vàng lâu dài của NHNN là kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng miếng, NH trung ương độc quyền sản xuất, còn các đơn vị đủ điều kiện chỉ được tham gia kinh doanh mua bán. Người dân vẫn có đầy đủ quyền lợi để nắm giữ, đầu tư vàng miếng của nhà nước là SJC và các loại vàng trang sức. Nhưng bà tỏ ra lo lắng khi mà giai đoạn quá độ của thị trường vàng đang không được phản ứng kịp thời, xử lý nhanh nhạy. Trong khi, nguyên nhân chính của sự chênh lệnh giá vàng thời gian qua chính là cầu vàng tăng nhanh do người dân rút vàng từ NH ra để bán khi giá thế giới lên, các NH phải mua vào để cân bằng trạng thái. Cùng với đó, tâm lý - vốn là vấn đề kinh niên của thị trường vàng Việt Nam lại càng đè nặng. Vì vậy, theo chuyên gia này, NHNN phải có một thông điệp rõ ràng để ổn định tâm lý người dân.
1 năm, 4 lần sửa thông tư
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại về chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay đang khá rối. Điển hình chỉ một quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng miếng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Thông tư 11 ban hành tháng 4-2011 đã phải sửa đi sửa lại, bổ sung tới 4 lần trong hơn 1 năm. Theo đó, TCTD không được cho vay vốn bằng vàng, không được gửi vàng tại TCTD khác, kể cả ủy thác đầu tư. Các tổ chức này chỉ được phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc này phải chấm dứt vào 1-5-2012. Ngoài ra, một quy định quan trọng khác là TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành VND, tất cả phải tất toán trước 30-6-2011.
6 tháng sau Thông tư 32 được ban hành sửa đổi Thông tư 11. Lần này, căn cứ vào tình hình, NHNN xem xét cho phép NH thương mại đủ điều kiện được chuyển đổi lượng vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (vàng tồn quỹ), được mở tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá vàng. NHNN quyết định số lượng đơn vị được tham gia.
Tháng 4-2012, Thông tư 12 ra đời tiếp tục sửa đổi Thông tư 11, kéo dài thời gian phát hành chứng chỉ vàng ngắn hạn từ 1-5-2012 đến 25-11-2012. Đồng thời, cấm TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành VND hoặc bằng các hình thức khác. Đến tháng 8-2012, NHNN lại ban hành Thông tư 24 sửa đổi điều 1 của Thông tư 11, không cho các TCTD vay và cho vay vốn đối với khách hàng và TCTD khác. Tuy nhiên, trừ trường hợp bảo đảm hoạt động an toàn của NH, Thống đốc NHNN sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng giữa một số TCTD với nhau.
Cấm rồi lại cho, siết lại mở, nhưng có vẻ NHNN vẫn không thể giải quyết được tình trạng bất ổn của thị trường vàng.
Giá vàng giảm nhẹ
Ngày 16-9, giá vàng miếng SJC tại các tiệm vàng tiếp tục giảm nhẹ từ 20.000 - 50.000 đồng/lượng so với ngày 15-9, giá mua - bán còn 46,7 - 46,85 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng thế giới giảm từ mức cao 1.777 USD/ounce về 1.771 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần qua nhưng phần lớn chuyên gia quốc tế nhận định giá vàng trong tuần này sẽ tăng. Trong vòng 30 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng 172 USD/ounce (tương đương 4,35 triệu đồng/lượng), còn giá vàng miếng SJC tăng nhanh hơn, ở mức 5 triệu đồng/lượng.
Theo TNO