Israel bất ngờ tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 5 sau hơn 3 năm vào hôm 1-11, làm đảo lộn trật tự chính trị hiện tại của nước này, với việc các đảng phái cực hữu giành tỉ lệ tốt hơn lần trước, nếu kết hợp với nhau sẽ vượt trội so với phái trung tả đang nắm quyền. Điều này có nghĩa là cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhiều khả năng sẽ quay trở lại chiếc ghế quyền lực sau 18 tháng tạm lui.
Ngày 4-11, ông Benjamin Netanyahu bắt đầu tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền để thành lập chính phủ. Trước đó, chiều 3-11, khi thông tin kết quả kiểm phiếu được công bố, Thủ tướng Lapid đã gọi điện chúc mừng ông Netanyahu.
Ông Netanyahu mừng chiến thắng.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Likud dẫn đầu với 32 ghế. Nếu Likud kết hợp với các đảng phái cực hữu khác, liên minh cực hữu có thể giành đến 65 ghế trong tổng số 120 ghế của Knesset (Quốc hội Israel). Đảng Yesh Atid của Thủ tướng Lapid giành 24 ghế, kết hợp với các đảng trung tả cũng chỉ giành được tổng cộng 54 ghế, mất thế đa số. Theo luật định, chỉ cần giành quá bán (61 ghế) thì đảng Likud và liên minh cực hữu cũng có thể nắm thế đa số và giành quyền thành lập chính phủ mới.
Đây là một chiến thắng quan trọng, mang nhiều ý nghĩa đối với ông Netanyahu. Tháng 6/2021, ông rời ghế Thủ tướng Israel sau một loạt biểu tình phản đối của người dân và thất bại trong cuộc bầu cử tháng 4/2021, phải giao quyền lực lại cho các đối thủ ở phía đối lập, trung tả. Cuộc giằng co níu kéo quyền lực của ông bất thành do ngày càng nhiều đồng minh không còn ủng hộ ông do các cáo buộc bê bối tham nhũng và điều hành kinh tế có nhiều sai lầm khiến kinh tế đất nước sa sút, đời sống người dân khó khăn. Ngoài nguyên nhân đại dịch COVID-19, nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân và gia đình ông cũng đóng vai trò không nhỏ trong những vấn đề của ông.
Các vụ bê bối tham nhũng dẫn đến 3 cuộc điều tra được tiến hành từ khi ông còn nắm giữ ghế thủ tướng. Tòa án đã sẵn sàng xét xử ông, nhưng ông Netanyahu kiên quyết tìm mọi cách để níu giữ ghế thủ tướng để có cơ hội lật ngược tiến trình xét xử. Tuy nhiên, sau thất bại trong bầu cử và phải rời ghế thủ tướng, ông Netanyahu đã phải đối mặt với các phiên xét xử của tòa án đối với các vụ án tham nhũng. Nếu không giành lại quyền lực, hoặc đồng minh của ông không thể giành lại thế cầm quyền, ông có nguy cơ bị tuyên án tù.
Sự kết hợp lỏng lẻo của liên minh cầm quyền gồm 8 đảng, trong đó dẫn đầu là đảng Yamina của ông Naftali Bennett và đảng Yesh Atid của ông Lapid (hai ông Bennett và Lapid thay phiên làm thủ tướng) dẫn đến việc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ liên minh do những bất đồng về chủ trương, đường lối của các đảng phái có nhiều khác biệt chỉ được tạm thời gác lại khi đàm phán liên minh. Đến khi điều hành đất nước, những bất đồng đó đã bộc phát, không thể nhượng bộ nhau. Chỉ một chuyện nhỏ cũng có thể khiến nghị sĩ Idit Silman rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến cho liên minh mất đi thế đa số trong quốc hội. Từ đó, Israel phải tổ chức bầu cử lại để xác định liên minh chính trị cầm quyền mới. Với kết quả như đã phân tích ở trên, rõ ràng liên minh cực hữu đã nắm thế đa số trong Knesset và ông Netanyahu đã được trao quyền thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, việc ông Netanyahu kết hợp với đảng cực hữu Religious Zionists được ví như ông đã mở “chiếc hộp Pandora”, có nghĩa là nhiều tai ương sắp bùng phát khắp khu vực Trung Đông khi ông Netanyahu kế hợp phái cực hữu điều hành đất nước bằng những chính sách Chính thống giáo, dân tộc cực đoan. Giới phân tích đánh giá, liên minh cực hữu lên nắm quyền sẽ khiến cho hòa bình với người Palestine ít có khả năng xảy ra hơn bao giờ hết. Lãnh đạo đảng Religious Zionist Itamar Ben-Gvir cho biết ông sẽ vận động hành lang để trục xuất các công dân Palestine "không trung thành" của Israel và ông ủng hộ việc sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây bị chiếm đóng.
Nhiều người Palestine bày tỏ lo ngại vào hôm 2/11 rằng viễn cảnh của chính phủ cực đoan nhất trong lịch sử Israel là màn dạo đầu cho sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ. Ông Mohammad Shtayyeh, Thủ tướng Palestine cho biết: “Các kết quả xác nhận rằng chúng tôi không có đối tác nào ở Israel vì hòa bình”.
Thành công của đảng cực hữu tạo tiền đề cho xung đột có thể xảy ra với các đối tác quốc tế của Israel. Mỹ và UAE đã cảnh báo Likud rằng việc trao các vai trò trong nội các của những người theo chủ nghĩa Do Thái tôn giáo sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương. Netanyahu đã nói rằng một sự lựa chọn như vậy không thể được thực hiện bởi những người ngoài cuộc.
Một thành viên theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã đưa ra khả năng chính phủ của họ sẽ thay đổi hiện trạng trên núi Đền thánh của Jerusalem, một vấn đề đã gây ra một số cuộc chiến tranh.
Cuộc bầu cử hôm 1/11 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt đẫm máu của cuộc xung đột Israel-Palestine, với cảnh báo của Liên hợp quốc gần đây rằng năm 2022 tất nhiên là năm chết chóc nhất đối với người Palestine ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng kể từ khi tổ chức này bắt đầu theo dõi các trường hợp tử vong vào năm 2005.
Hầu hết các cuộc bạo động kéo dài nhiều tháng nay chỉ giới hạn ở Nablus và Jenin, các thành phố ở phía Bắc của lãnh thổ đã bị quân đội Israel đột kích và các cuộc đóng cửa trên toàn thành phố gợi nhớ đến cuộc nổi dậy intifada lần thứ hai của người Palestine. Tuy nhiên, một cuộc tấn công xả súng tại khu định cư gần thành phố Hebron, Bờ Tây đã làm dấy lên lo ngại rằng tình hình bất ổn có thể đang lan rộng.
Theo CAND