Tham nhũng, lãng phí đang là vấn nạn ở đất nước Italia ngập trong nợ nần. Tham nhũng không chỉ khiến cho Italia khó trả được nợ, mà còn làm cho kinh tế ngày càng suy kiệt, dân tình bất mãn, lòng tin vào giới chính khách truyền thống bị xói mòn nghiêm trọng.
Tính từ thời điểm xảy ra vụ bê bối tham nhũng lớn nhất cách đây 20 năm, Italia chưa từng phải chứng kiến tình trạng tham nhũng làm rệu rã hệ thống chính trị nghiêm trọng như hiện nay. Nếu như loạt bê bối tham nhũng 20 năm trước đã đưa ông Silvio Berlusconi lên nắm quyền, thì loạt bê bối tham nhũng, lãng phí mới này đã hạ bệ ông.
Roberto Formigoni, Thống đốc vùng Lombardy. Theo những người còn "sống sót" sau cuộc khủng hoảng chính trị năm đó, chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng mang tên "Bàn tay sạch" (Clean Hands) đã quét qua chính trường đầu thập niên 90 thế kỷ XX, cuốn đi toàn bộ những gương mặt chính khách nổi bật nhất thời đó.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Paola Severino, so với thời chiến dịch "Bàn tay sạch" thì tình trạng tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị Italia hiện tại còn tệ hại hơn nó diễn ra vào thời điểm đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Bà Paola Severino ví von: "Trục lợi từ công quỹ luôn luôn là vấn đề nghiêm trọng, nhưng trục lợi từ công quỹ vào thời điểm đất nước đang đòi hỏi công dân phải hy sinh thì quả thực là không còn gì tệ hại hơn".
Các báo cáo về tham nhũng ở châu Âu cho biết, giới chính khách tham nhũng tuồn ra khỏi đất nước Italia 60 tỉ euro (khoảng 78,8 tỉ USD) mỗi năm. Số tiền này tương đương GDP của Croatia và nhiều hơn GDP của Cộng hòa Serbia, nước có nền kinh tế được IMF xếp hạng 76 thế giới với 78,7 tỉ USD. Tình trạng tham nhũng lại diễn ra trong bối cảnh Italia đang ngập trong khủng hoảng nợ, với tỉ lệ nợ công khoảng 120% GDP, tương đương 2.500 tỉ USD.
Tình trạng tham nhũng tràn lan đang làm lung lay vị thế các đảng phái từng được xem là mạnh nhất, khó đánh bại nhất. Ngày 17-10, Thống đốc Vùng Lombardy, Roberto Formigoni, đã tuyên bố sẽ giải tán chính quyền vùng vào ngày 25-10 tới vì không còn đủ người để điều hành bộ máy. Ông Formigoni là một thành viên tích cực, kỳ cựu của đảng Nhân dân Tự do của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, là người đã lãnh đạo chính quyền vùng Lombardy suốt 17 năm qua, tức là gần bằng thời gian ông Berlusconi nắm quyền ở Italia.
Ông Formigoni đưa ra quyết định "đau đớn" trên sau khi một nghị viên vùng Lombardy thuộc đảng Nhân dân Tự do bị bắt giam có dính líu hơn chục nghị viên khác trong một vụ án "mua phiếu". Đây là dấu hiệu cho thấy bê bối tham nhũng, lãng phí đang lan rộng ra nhiều vùng của Italia. Làn sóng ngầm bê bối tham nhũng đến nay gần như đã trở thành chuyện công khai, đã đốn ngã Thống đốc vùng Lazio và khiến cho toàn bộ chính quyền thành phố Reggio Calabria bị sa thải vào trung tuần tháng 10 để chặn vòi bạch tuộc của mafia.
Bản thân ông Formigoni cũng đang bị điều tra về các khoản "lại quả" do các nhóm vận động hành lang ngành y tế chi trả bằng hình thức bao chi phí các chuyến nghỉ mát xa xỉ.
Phân tích tình trạng tham nhũng hiện nay, giới chuyên môn Italia cho rằng có nguồn gốc xuất phát từ một đạo luật được ban hành vào năm 2001 nhằm thúc đẩy hệ thống chính quyền theo hình thức liên bang, trong đó các địa phương có trách nhiệm nhiều hơn và cũng được trao cho nhiều quyền hạn hơn. Nhưng khi triển khai, chính quyền trung ương Italia chỉ việc cấp ngân sách thoải mái cho các vùng (tương đương tỉnh) mà không đòi hỏi các vùng phải tự tìm nguồn thu ngân sách. Chính phương thức này đã làm nảy sinh tình trạng ỷ lại, làm bùng nổ kiểu chi tiêu vô tội vạ, vung tay quá trán.
Từ khi hình thành các tỉnh (vùng) vào năm 1970, và đặc biệt là những năm sau 2001, Italia đã bùng nổ chi phí hoạt động của chính quyền các địa phương. Lương "cứng" của 1.113 nghị viên các vùng trên cả nước đã tăng vọt lên 4.000 - 6.500 USD/người/tháng, và thu nhập thực lĩnh thường gấp đôi mức lương đó vì còn có thêm các khoản bổng lộc khác. Mức lương này quá cao so với mức lương bình quân 1.500 USD của cả nước Italia.
Chưa hết, giới chính khách Italia còn được hưởng thêm một khoản tiền gọi là "hưu non", được lãnh nhiều năm trước khi chính thức nghỉ hưu. Chính điều này đã gây nên tình trạng bất công trong hệ thống lương bổng, và vì thế mà sau khi Chính phủ Italia nâng tuổi nghỉ hưu lên từ 62-66 tuổi, người dân đã không còn kiên nhẫn với giới chính khách nữa. Đã có nhiều tiếng nói từ công chúng kêu gọi cắt giảm bớt các khoản chi phí quá lãng phí dành cho giới chính khách, kêu gọi cắt giảm số lượng chính khách địa phương hưởng lương từ ngân sách trung ương, nhưng cho đến nay các đảng phái chính trị chính thống vẫn ì ạch trong việc đáp ứng lời kêu gọi đó. Nhiều đề xuất cải cách đã bị gạt bỏ chỉ vì tất cả những đề xuất đó đều đụng chạm đến quyền lợi thiết thân của giới chính khách.
Gherardo Colombo, công tố viên hàng đầu của thời "Bàn tay sạch", cho rằng các thể chế chính trị Italia ngày nay yếu hơn cách đây 20 năm, và trong suốt thời gian qua, họ đã làm cho việc "tham nhũng được dễ dàng hơn và khó phanh phui hơn".
Đó là nguồn gốc tạo nên làn sóng cử tri tẩy chay các đảng phái chính thống và quay sang ủng hộ các đảng phái mới với những đường lối cải cách, chống tham nhũng, giảm bộ máy cồng kềnh và xoá bỏ những thói quen lãng phí trong chính quyền. Nổi bật trong trào lưu chính trị mới này phải kể đến đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo hiện đang thăng tiến mạnh mẽ tại nhiều khu vực, nhất là ở miền Bắc Italia
Theo CAND