Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Javier Perez de Cuellar, người được mệnh danh là “nhà kiến tạo hòa bình” của cơ quan LHQ, vừa qua đời tại nhà riêng ở Peru hôm 5-3, thọ 100 tuổi. Cuộc đời dài một thế kỷ của ông bao trùm cả lịch sử LHQ và những gì ông tạo ra cho đến nay vẫn chưa có ai bì kịp.
Javier Perez de Cuellar sinh ngày 19-1-1920 tại thành phố Lima, Peru, là con của một doanh nhân bình thường. Gia đình ông gốc gác tại thị trấn Cuellar, Segovia, Tây Ban Nha. Cuộc đời thời trẻ của ông không có gì nổi bật cho đến khi ông trưởng thành và tham gia các hoạt động chính trị.
Năm 1940, Perez de Cuellar khi đó mới 20 tuổi đã vào làm việc trong Bộ Ngoại giao Peru, một bước đệm quan trọng cho sự nghiệp ngoại giao sau này của ông. Ông bắt đầu công tác ngoại giao từ năm 1944, sau đó làm Bí thư ở Tòa đại sứ Peru tại Pháp, rồi lần lượt đến nhận nhiệm vụ tại Vương quốc Anh, Bolivia và Brazil, làm đại sứ tại Thụy Sĩ, Liên Xô, Ba Lan và Venezuela.
Sự nghiệp của ông tại LHQ bắt đầu từ khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng LHQ, lúc đó ông là thành viên cấp dưới trong phái đoàn ngoại giao của Peru dự khóa họp năm 1946 tại London. Sau đó, ông là thành viên ngoại giao chính thức của Peru kể từ khóa họp thứ 25 đến 30 của Đại hội đồng LHQ. Năm 1971, ông được bổ nhiệm làm đại diện thường trực của Peru tại cơ quan LHQ và lãnh đạo phái đoàn Peru dự các khóa họp Đại hội đồng LHQ từ đó cho đến năm 1975. Trong giai đoạn này, ông cũng từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ khi Peru là nước Chủ tịch Hội đồng.
Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Perez de Cuellar.
Vai trò kiến tạo hòa bình của ông có lẽ bắt nguồn từ năm 1975. Ngày 18-9-1975, ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ tại Cộng hòa Síp sau biến cố 1974. Sau nhiệm vụ đó, Perez de Cuellar bắt đầu bước lên những địa vị cao hơn trong hệ thống cơ quan LHQ. Ngày 27-12-1979, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vụ việc chính trị đặc biệt. Từ tháng 4-1981, Perez de Cuellar kiêm thêm nhiệm vụ đại diện cá nhân của Tổng Thư ký LHQ theo dõi tình hình liên quan đến Afghanistan.
Sau khi Tổng Thư ký LHQ Kurt Waldheim mãn nhiệm vào ngày 31-12-1981, ông Perez de Cuellar là người được bầu chọn thay thế. Cho đến thời điểm này, mặc dù đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau ở cả cấp quốc gia và LHQ, Perez de Cuellar vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chủ yếu, người ta cho rằng, ông ngoi lên đến chức vụ cao nhất của cơ quan LHQ là nhờ cái thế “các bên đều có lợi”, bởi lúc đó LHQ đang trong giai đoạn rối ren và mất uy tín.
Thế nhưng, ngay sau khi được bầu lên, Perez de Cuellar nhanh chóng cho mọi người thấy ông không phải là “thứ để mặc cả”. Dấu ấn đầu tiên và quan trọng nhất của ông chính là làm sống lại cỗ máy gìn giữ hòa bình đang “chết lâm sàng” của LHQ. Và bước đầu tiên ông làm là “dọn dẹp nhà cửa”, tung ra báo cáo với kết luận gây sốc cho giới chức bảo thủ lúc bấy giờ: “Chúng ta đang tiến gần đến một thế giới mới đại loạn”.
Lúc đó, thế giới đầy những điểm nóng như Israel xâm chiếm Lebanon, xung đột quân sự ở Afghanistan, tình hình Campuchia, cuộc chiến Iran-Iraq,... Ông than phiền trước Đại hội đồng LHQ rằng các nghị quyết của LHQ “ngày càng bị rẻ rúng, bị phớt lờ bởi những kẻ tự cho mình có sức mạnh”.
Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên lên nắm quyền, ông đã không thành công khi tham gia hoạt động ngoại giao con thoi nhằm tháo ngòi nổ xung đột quân sự giữa Argentina và Anh trong vụ tranh chấp quần đảo Falklands vào tháng 4-1982. Ông đã không thể mang lại hòa bình vì cả hai bên xung đột đều khăng khăng giữ lập trường quan điểm của mình.
Trong suốt 2 nhiệm kỳ (10 năm) làm Tổng Thư ký LHQ, Perez de Cuellar nổi tiếng là nhà ngoại giao cần mẫn và hoạt động âm thầm trong hậu trường. Câu nói được xem là “tuyên ngôn” cho phong cách ngoại giao của ông chính là “Le ton fait la chanson” (tiếng Pháp có nghĩa là “giai điệu làm nên bài hát, chứ không phải giọng ca ồn ào của ca sĩ”).
Với vẻ bề ngoài dễ gây cảm tình, Perez de Cuellar chọn phong cách mềm mỏng, nhẹ nhàng. Đối mặt với vấn đề nhạy cảm là nhân quyền, Perez de Cuellar chọn lối ngoại giao thận trọng và kín đáo. Nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa đằng sau lớp vỏ bề ngoài mềm mỏng, kín đáo đó là một tính cách cứng cỏi và đầy can đảm.
Ngay khi mới nhậm chức, Perez de Cuellar đối mặt vấn đề hóc búa: Mỹ dọa cắt giảm đóng góp tài chính cho LHQ nếu Israel bị hất ra khỏi LHQ do hành động xâm lược Liban và đàn áp người Palestine. Thế là Perez de Cuellar tích cực vận động hậu trường để ngăn chặn các quốc gia Arab hất Israel khỏi ghế LHQ. Vì vấn đề này, Perez de Cuellar đã bị các nước Arab chỉ trích là đi theo Mỹ trong vấn đề Trung Đông.
Trong nhiệm kỳ 2 của mình, Perez de Cuellar dành nhiều thời gian kiến tạo hòa bình và giải quyết vấn đề con tin tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Chính ông đã góp công sức ngoại giao giúp cho đất nước Namibia giành được độc lập năm 1991; giúp chấm dứt cuộc chiến 9 năm giữa Iraq và Iran; góp công mang lại thỏa ước hòa bình ở Campuchia và cho đến tận ngày cuối cùng làm Tổng Thư ký LHQ, Perez de Cuellar còn góp phần mang lại thỏa thuận hòa bình lịch sử ở El Salvador.
Với thành tích “nhà kiến tạo hòa bình” của cơ quan LHQ, Perez de Cuellar đã nhận được khá nhiều danh hiệu vinh dự của nhiều quốc gia khác nhau nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ được đề cử giải thưởng cao quý Nobel Hòa bình.
Sau khi rời khỏi cơ quan LHQ, Perez de Cuellar vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, tiếp tục hoạt động chính trị. Ông tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống Peru năm 1995 nhưng thất bại do đụng phải chính khách hùng mạnh gốc Nhật Bản Alberto Fujimori. Thế rồi, sau khi Fujimori thoái vị, Perez de Cuellar tái xuất hiện trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao và Chánh văn phòng Nội các trong chính phủ lâm thời Peru. Uy tín ngoại giao của ông là tài sản quý giá không chỉ của riêng bản thân ông mà còn của quốc gia Peru. Vì thế, một lần nữa ông lại dấn thân làm Đại sứ Peru tại Pháp cho chính phủ của Tổng thống Alejandro Toledo. Khi đó ông đã ngoài 80 tuổi.
Theo CAND