Trong nhiều năm, Kamala Harris đã phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng bà không đủ khả năng để trở thành phó tổng thống Mỹ. Giờ đây, người phụ nữ này được đảng Dân chủ coi là hy vọng sáng nhất để ngăn chặn sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Phó Tổng thống Kamala Harris (thứ 2, trái) trong cuộc họp với các lãnh đạo Quốc hội ở Nhà Trắng, ngày 27/2/2024.
Khi đương kim Tổng thống Joe Biden tuyên bố từ bỏ nỗ lực tái tranh cử vào ngày 21/7 khiến cả thế giới sửng sốt, bà Harris đột nhiên đứng trước cơ hội lịch sử. Với sự ủng hộ của tổng thống đương nhiệm, bà nhiều khả năng trở thành người đứng đầu liên danh của đảng Dân chủ để có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của "xứ cờ hoa".
Trong phát biểu đầy ca ngợi những thành tựu của ông Biden trong nhiệm kỳ “chưa từng có trong lịch sử hiện đại nước Mỹ”, bà Harris tuyên bố bày tỏ vinh dự khi nhận được đề cử và khẳng định mục tiêu sẽ giành được đề cử chính thức của đảng.
“Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đoàn kết đảng Dân chủ, đoàn kết quốc gia của chúng ta, để đánh bại ông Donald Trump”, bà tuyên bố.
Phó Tổng thống Harris cam kết bà sẽ làm việc chăm chỉ để giành được sự ủng hộ của toàn bộ đảng trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang diễn ra gay gắt.
Trong khi ông Biden dần lộ rõ những dấu hiệu của tuổi tác, cùng những màn thể hiện thiếu thuyết phục trong năm qua, "phó tướng" của ông đã nổi lên như một thế lực mạnh mẽ trên đường đua vận động tranh cử, thúc đẩy quyền phá thai và tiếp cận các cử tri cốt lõi, bao gồm cả phụ nữ nông thôn và đàn ông da màu.
Sự trỗi dậy của Kamala Harris
Bà Kamala Harris trong buổi vận động tranh cử tại Detroit, Michigan ngày 25/10/2020.
Sinh ra tại Oakland, California trong một gia đình nhập cư - mẹ là người gốc Ấn Độ và cha là người Jamaica - cha mẹ Harris ly hôn khi bà mới 5 tuổi. Bà chủ yếu được nuôi dưỡng bởi người mẹ đơn thân theo đạo Hindu, Shyamala Gopalan Harris, một nhà nghiên cứu về ung thư và nhà hoạt động dân quyền.
Nguồn gốc và quá trình tiếp xúc với hai chủng tộc đã tạo nên một Harris mang nhiều bản sắc với biểu tượng đầy khát vọng.
Bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard, Đại học California và trường luật Hastings. Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Biện lý Quận Alameda, trước khi được tuyển vào Văn phòng luật sư quận San Francisco và sau đó là Văn phòng Luật sư thành phố San Francisco.
Bảy năm sau, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California, trở thành tổng chưởng lý da màu đầu tiên của California và là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Với tư cách là người bạn đồng hành tranh cử của ông Biden, bà Harris đã củng cố liên minh đã giúp đánh bại ông Donald Trump vào năm 2020. Tuy nhiên, hành trình của bà đã gặp nhiều khó khăn. Những người chỉ trích cho rằng bà không gây ấn tượng và dễ mắc lỗi trong công việc vốn được biết đến là khiến nhiều quan chức bối rối.
Trong đó, bà Harris được ông Biden giao nhiệm vụ tìm ra gốc rễ của vấn đề di cư bất hợp pháp khi số lượng người nhập cư kỷ lục chạy trốn đến biên giới Mỹ - Mexico. Bà Harris nhiều lần bị cả đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích vì không dành đủ thời gian ở biên giới hoặc tuyên bố những người di cư đừng đến Mỹ.
Ngoài ra, tỷ lệ luân chuyển nhân sự cao bất thường cũng làm dấy lên tin đồn về sự bất mãn trong Văn phòng phó tổng thống.
Trong năm 2023, một số thành viên Dân chủ lo lắng rằng những quan điểm tiêu cực về bà Harris có thể ảnh hưởng đến tấm vé liên danh tranh cử. Tuy nhiên, trong những tuần kể từ màn tranh luận thất bại vào tháng 6 của ông Biden, bà Harris đã bắt đầu ổn định, trở thành đại diện chủ chốt cho chiến dịch tái tranh cử của ông Biden trong các vấn đề về sức khỏe sinh sản hay mối đe dọa mà ứng cử viên Trump đặt ra đối với nền dân chủ nước Mỹ.
Và đảng Cộng hòa không ngừng chỉ trích bà Harris không đủ năng lực tiếp quản nếu điều tồi tệ nhất xảy ra với vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Rào cản cuối cùng
Ông Joe Biden (phải) và bà Kamala Harris liên danh trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 ở Wilmington, Delaware, ngày 12/8/2020.
Mọi thứ dần thay đổi khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 bắt đầu khởi động.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden liên tục phân công bà Harris đến các tiểu bang chiến trường để truyền tải thông điệp của đảng Dân chủ về quyền phá thai. Bà đã trở thành Phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm phòng khám phá thai.
Dần dần, bà bắt đầu thu hút được nhiều đám đông tham gia và cũng được nhiều cử tri chuyển sang ủng hộ hơn.
Bà Harris cũng giành được lời khen ngợi khi vẫn trung thành với vị tổng thống 81 tuổi ngay cả khi những “kẻ tham lam chính trị” bắt đầu vây quanh ông.
Giờ đây, bà Harris sẽ phải đối mặt với ông Donald Trump - một trận chiến khốc liệt chống lại một ứng cử viên đầy kinh nghiệm, từng đánh bại bà Hillary Clinton trong nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên vào năm 2016.
Giới quan sát nhận định rằng nếu giành chiến thắng, bà Harris sẽ phá vỡ một trong những rào cản lớn nhất còn lại đối với phụ nữ Mỹ - đó là giữ chức vụ cao nhất của đất nước.
Chồng bà, Douglas Emhoff, cũng sẽ tạo nên bước đột phá mới khi từ người đầu tiên trở thành “Đệ nhị Phu quân” trở thành “Đệ nhất Phu quân” đầu tiên của nước Mỹ.
Theo TTXVN