Kể chuyện nhà báo...

Thứ bảy, ngày 18/06/2011

Anh đi cơ sở, thấy nhiều người “tội nghiệp quá”, thế là viết bài phản ánh, những mong tấm lòng của mình sẽ được “cộng hưởng” với bạn đọc để “nhân vật” của mình bớt khổ. Thế là thành chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của Báo Bình Dương mà anh miệt mài theo đuổi bao năm nay. Cô phóng viên bạn đọc thì “không kể ngày đêm, mưa nắng, xa gần, chỉ cần có hẹn, có người cần mình giúp là em đi liền”. Một em đồng nghiệp khác của tôi thì “mới ra trường nên em siêng đi lắm chị, đi đâu chị nhớ gọi em nhé!”...

Nhà báo LÊ TÂM TRANG: “Nhớ nhất là những lần... giả trang để thâm nhập thực tế!”

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM), Lê Tâm Trang về  làm báo Bình Dương năm từ 2008. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Trang là một cô PV “nhỏ bé” nhưng luôn muốn làm... việc lớn! Hình như Trang luôn cố... gồng mình lên, “bắt” mình mạnh mẽ hơn bởi theo cô, nghề báo là một nghề cao quý nhưng cũng rất vất vả và trong trường hợp nào cũng phải làm tốt nhất, viết tốt nhất có thể. Nhà báo phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình nên không thể cẩu thả được...

Miệt mài “vào nghề” như thế, 2 năm sau, Tâm Trang gặt hái thành công ngay với giải nhì tác phẩm: Người Khmer Tamun - Những điều lý thú! (2 kỳ) và giải ba phóng sự  Cánh đồng “khát” trong cuộc thi Phóng sự - Ký sự của Báo Bình Dương năm 2010. Đọc những bài này mới thấy được sự mày mò, tìm hiểu từ văn hóa từ đám cưới, đám tang, tín ngưỡng của người Khmer ở Bình Dương cũng như nỗi “ám ảnh” người nông dân bỏ đất, quay lưng với ruộng đồng... Trang cho biết, ngay từ thời đại học, Trang học nhiều về văn hóa Nam bộ, các học phần về vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Để viết bài, Trang phải đến từng nhà những người Khmer ghi nhận nếp sống của họ... Đặc biệt là người già còn lưu giữ nét truyền thống của người Khmer. Trang ấp ủ viết đề tài này rất lâu, liên lạc thường xuyên để hỏi lại thông tin, xác nhận, liên hệ cán bộ địa phương phụ trách mảng dân tộc. Có giải thưởng là niềm vui, tự hào thấy công sức lao động được ghi nhận từ đó có động lực để phấn đấu thực hiện tiếp những đề tài “có tầm” hơn.

Trang làm mảng công tác bạn đọc, góp phần giúp người dân giải quyết những vấn đề oan sai, lần theo đơn khiếu nại, tố cáo đến tận những địa bàn xa xôi để xác minh, ghi nhận thông tin. Thông tin ở mảng bạn đọc tuyệt đối chính xác và khách quan. Để có được những hình ảnh sống động, Tâm Trang nhiều lần phải “giả trang” để tiếp cận các công ty làm ăn bê bối, gây ô nhiễm môi trường. Có khi “giả trang” thành bệnh nhân để thâm nhập thực tế tại các “phòng khám” của các lang băm, chữa bệnh bằng phương pháp kỳ quái, mê tín...

Đôi khi gặp một vài sự hiểu lầm hoặc nguy hiểm trong công việc, thỉnh thoảng, cô PV trẻ này có nao núng nhưng chưa hề có ý định bỏ việc, bởi đây là nghề nghiệp Trang yêu thích và đã chọn lựa.

 Nhà báo NGUYỄN CÔNG LUẬN: “Giúp được người bất hạnh, vui lắm!”

Đang làm phóng viên (PV) truyền hình, anh xin nghỉ việc. 5 năm sau, cơ duyên khiến anh trở lại với nghề báo từ một sự tình cờ, trong lúc phụ quán cà phê ở An Phú, Thuận An, một người khách vào uống nước đã để quên tờ báo Bình Dương có đăng thông báo tuyển phóng viên. Vẫn còn “duyên nợ” với báo chí, với... công luận như cái tên của anh, thế là anh đến Tòa soạn Báo Bình Dương xin thử việc và được nhận vào làm phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội. Đến nay đã đúng 8 năm. Hiện giờ anh là Biên tập viên Báo Bình Dương điện tử.

“Vốn liếng” của anh là những bài phóng sự, ký sự về các đề tài văn hóa, xã hội được khen thưởng và ấn tượng với độc giả như : Như chưa hề có cuộc ly... nông, Qua đình ngã nón thương... đình, Xanh xanh vườn cau An Thạnh, Trăm nẻo đường... đề, Người trồng cỏ thời biến đổi khí hậu... Làm báo, có những bài được đồng nghiệp, độc giả nhắc đến là niềm vui lớn nhất. Ngoài ra, mảng mà anh “mặn mà” nhất là phát hiện và phản ánh những trường hợp bất hạnh để nối những tình cảm yêu thương, sự giúp đỡ của độc giả đến với họ.

Với những hoàn cảnh quá khó khăn, anh còn chủ động cung cấp thông tin về nhân vật đến các báo, đài bạn như Đài PT-TH Bình Dương, Báo Người Lao Động, Báo Pháp luật TP.HCM để mở rộng sự tiếp sức của bạn đọc cho nhân vật. Sau mỗi bài viết, anh luôn quan tâm thăm hỏi đời sống các nhân vật của mình. Như trường hợp anh thương binh có con mắc bệnh hiểm nghèo, sau khi bài viết được đăng báo, một lần ghé thăm gia đình anh được biết người cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương đã đến tận nhà lớn tiếng quát nạt anh bộ đội này vì cho rằng việc anh cung cấp thông tin về hoàn cảnh khó khăn của mình với báo chí đã làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của địa phương. Anh đã trực tiếp đến địa phương làm việc với vị cán bộ này để đấu tranh về “căn bệnh” thành tích và “giải oan” cho nhân vật của mình.

Ngoài bút danh Công Luận anh còn có bút danh Minh Hoàng khi viết các chuyên mục Diễn đàn, Tiêu điểm trên Báo Bình Dương điện tử, ngoài ra nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ bút danh Út Thị Xã với những bài viết châm biếm, phê phán các thói hư tật xấu và các tệ nạn nhức nhối cần lên án trong chuyên mục “Thật như đùa” trên trang Văn hóa - Văn nghệ Báo Bình Dương.

Sau khi nhận nhiệm vụ ở Phòng Báo điện tử, công việc chính của anh là biên tập thông tin trên các báo mạng và biên tập các thông tin nóng. Thế nhưng anh vẫn nặng lòng với các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nên đã đề xuất Ban Biên tập cho xây dựng chuyên mục Nhịp cầu nhân ái - Chuyên mục làm nhịp cầu nối giữa những nhà hảo tâm và những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Hơn một năm hoạt động, chuyên mục được bạn đọc trong và ngoài tỉnh quan tâm ủng hộ. Các tấm lòng vàng khắp nơi đã tham gia đóng góp hơn 200 triệu đồng giúp đỡ các bệnh nhân nghèo và những người gặp cảnh khó khăn.

Là người có sức khỏe tốt nên anh thường xuyên tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, tính đến nay anh đã tham gia hiến máu hơn 20 lần. Anh cho biết, đã hơn một năm nay anh thôi không tham gia phong trào hiến máu nữa vì lúc này sức khỏe không còn như thời trẻ. Thế nhưng mới đây, một đồng nghiệp có người nhà mổ tim cần người cho máu, nghe tin, anh liền sốt sắng đến bệnh viện giúp đỡ liền... 

Với anh, giúp được người bất hạnh, thấy vui lắm và thế là cứ làm bằng tất cả tấm lòng nhân ái của mình.

 Nhà báo THIÊN LÝ: “Tôi tin, khó khăn càng làm mình trưởng thành hơn”

Một cái nhíu mày, một cái nhìn... dè chừng là “món quà” tôi dành cho cô em đồng nghiệp mới về làm cùng cơ quan trong lần gặp mặt đầu tiên. Có lẽ do đó là cô gái quá trẻ trung và... xinh nữa! Nhưng rồi, sau vài chuyến công tác cùng, điều ghi nhận ở tôi là Thiên Lý rất thích đi và viết cũng khá nhanh theo yêu cầu của đàn anh đàn chị. Với nhà báo, đó là điều cần thiết.

Cô nhà báo trẻ này tâm sự: “Tôi mơ ước được làm nhà báo từ khi còn là cô học sinh lớp 6. Ước mơ đó có từ khi đọc được tờ báo Công an TP.HCM. Từ những câu chuyện thương tâm đến những bài phóng sự nguy hiểm, đầy thử thách của nhà báo. Sự dấn thân của nhà báo khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Thế là tôi quyết tâm học để thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM khoa Ngữ văn - Báo chí. Ước mơ làm báo, coi như mới vừa... chạm ngõ được một chút thôi”.

Khi ra trường, Thiên Lý được nhận vào công tác tại Báo Bình Dương, được sự chỉ dẫn tận tình của Ban biên tập, các anh chị đi trước nên Thiên Lý đã tiếp cận với nghề một cách thực tế chứ không như với những gì học từ sách vở. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với phóng viên nữ đó là việc đi công tác đến những vùng sâu, vùng xa. Thiên Lý kể: “Ngày đầu tiên đi công tác tại huyện Dầu Tiếng, quá tham phỏng vấn, tôi quên mất trời đã về chiều. Phỏng vấn xong ra về đã quá 18 giờ. Cứ nghĩ mình đã nhớ đường ra nên không cần hỏi. Thế nhưng, chạy xe được khoảng 15 phút, xung quanh tôi lúc này chỉ còn lại vườn cao su bạt ngàn và một không gian tối mịt. Quá sợ, tôi đã khóc rất nhiều, sau đó định lấy điện thoại ra “cầu cứu” thì điện thoại hết pin. Sợ và lo lắng có chuyện không may xảy ra với mình làm cho tôi càng run! Loay hoay hỏi đường mãi tôi cũng... thoát khỏi mấy lô cao su. Nỗi sợ hãi đó khiến tôi nghĩ sẽ không bao giờ đi công tác xa, thậm chí đôi lúc còn nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Thế nhưng, hình ảnh dấn thân tác nghiệp của các anh chị đi trước đã giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua mỗi khi gặp khó khăn sau này”...

  Nhân ngày báo chí, tôi viết về họ, dẫu chỉ là những nét... phác thảo rất thô mộc nhưng mong rằng, đây sẽ là món quà cho các anh chị em đồng nghiệp đáng mến này và chúc họ tiếp tục... chân cứng đá mềm với nghề đã chọn!

QUỲNH NHƯ