Kênh bán lẻ truyền thống nỗ lực chuyển đổi số

Cập nhật: 24-02-2023 | 08:26:33

Hiện nay, công nghệ chuyển đổi số ngày càng quen thuộc trong mua sắm của người tiêu dùng. Để nhanh chóng thích ứng với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, việc chủ động triển khai ứng dụng công nghệ, đổi mới hình thức bán hàng là một trong những biện pháp để kênh bán hàng truyền thống tránh được nguy cơ tụt hậu.

 Chợ truyền thống cần kết hợp sử dụng công nghệ để thu hút thêm khách hàng cùng với kênh trực tiếp. Trong ảnh: Một góc chợ Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng

 Thu hút thêm khách hàng

Một ngày cuối tháng 2, tại chợ Bến Súc (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) khá đông người vào mua sắm. Chợ khá đa dạng với đầy đủ các mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng gia dụng... Ki-ốt của chị Nguyễn Thị Hoa Linh nằm ngay vị trí đầu cổng chợ kinh doanh hàng mỹ phẩm, đồ chơi dành cho trẻ em được sắp xếp khá ngăn nắp, tiện lợi cho khách hàng.

Mặc dù còn khá trẻ nhưng chị Linh đã có thâm niên bán hàng tại chợ 12 năm. Chị Linh cho biết: “Hiện nay, khách hàng lựa chọn kênh mua sắm qua mạng khá nhiều. Để thích nghi với thị trường, một mặt duy trì cách thức bán hàng truyền thống mặt khác tôi tìm tòi, đổi mới cách thức bán hàng để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Tôi chủ động đăng sản phẩm của quầy hàng lên các kênh Zalo, Facebook, TikTok hay livestream... Tại chợ, một số chị em cũng khai thác khá tốt kênh bán hàng qua mạng”.

Tại chợ Việt Sing, khu dân cư Việt Sing, phường An Phú (TP.Thuận An), nhiều tiểu thương cũng đã nỗ lực sử dụng nền tảng mạng xã hội để thúc đẩy bán hàng. Với đặc thù gần khu công nghiệp, khu dân cư, nhà ở xã hội, tiểu thương đã chủ động tìm hiểu, gia nhập vào các nhóm chát để quảng bá giới thiệu sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Ngà, chủ một cửa hàng cung cấp các loại sữa cho trẻ em, chia sẻ: “Để giới thiệu sản phẩm và cửa hàng của mình tới nhiều khách hàng, tôi lập fanpage siêu thị Việt Sing, tham gia vào các nhóm Zalo khác nhau của khu dân cư Việt Sing. Nhờ đó nhiều khách hàng biết đến tìm đến cửa hàng để mua, khách đặt hàng qua mạng xã hội tôi đều ship tận nơi... Bán hàng qua mạng phải có thời gian đăng bài, tương tác, tư vấn cho khách, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm bảo đảm thì mới giữ chân khách hàng lâu dài”.

Theo khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, để thích ứng với thị trường trong thời kỳ 4.0 hiện nay, nhiều hộ kinh doanh đã và đang nỗ lực thay đổi cách thức bán hàng để tăng thêm doanh số, thu nhập. Dựa theo sản phẩm kinh doanh, đặc thù khu vực, địa điểm kinh doanh, tiểu thương có phương án giới thiệu, quảng bá riêng. Tuy nhiên, hầu hết việc bán hàng trực tuyến, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội đều tự phát và hầu hết được thực hiện bởi những người trẻ với các mặt hàng kinh doanh như thời trang, mỹ phẩm...

Cần sự thay đổi

Hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng, chiếm được lòng tin của khách hàng không chỉ nhờ thương hiệu, dịch vụ chăm sóc mà còn bởi mức phổ cập trong áp dụng công nghệ. Kênh bán lẻ truyền thống muốn giữ thị phần kinh doanh, cạnh tranh được với thị trường cần phải thay đổi.

Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ shop quần áo tại chợ Đất Cuốc (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ: “Tiểu thương chúng tôi không hiểu nhiều về chuyển đổi số, nhưng bán hàng qua mạng chúng tôi đều biết. Cũng có một vài đơn vị đến tư vấn cho cửa hàng biện pháp tăng doanh thu và có nhiều khách hàng hơn thay vì chỉ trông đợi vào khách đến chợ bằng cách tăng cường quảng cáo, sử dụng mạng xã hội. Nếu có một người bán hàng thành công nhờ mạng xã hội thì sẽ lan tỏa sang rất nhiều tiểu thương khác”.

Thực tế hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm thị phần không nhỏ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các huyện nông thôn. Điển hình, huyện Bắc Tân Uyên hiện có 7 chợ truyền thống, tại các chợ dân sinh hay chợ gần khu công nghiệp hầu hết tiểu thương vẫn chỉ chọn bán hàng theo phương thức truyền thống. Phần lớn tiểu thương bán hàng tại chợ truyền thống đều lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ nhưng rào cản lớn nhất chính là thái độ, tâm lý ngại thay đổi. Bên cạnh đó, các sản phẩm tại chợ truyền thống muốn cạnh tranh được với các kênh bán lẻ hiện đại, đưa được lên sàn điện tử cần phải bảo đảm về an toàn, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ...

Để chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống cần có quyết tâm thay đổi từ cả tiểu thương, doanh nghiệp, cơ quan chức năng... Theo lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, để phát triển kinh tế số trên địa bàn, huyện đã ban hành những kế hoạch, mục tiêu cụ thể, như: Hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công nghệ số...

 Hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng, kênh bán lẻ truyền thống muốn giữ thị phần kinh doanh, cạnh tranh được với thị trường cần phải thay đổi. Đó là sự thay đổi về tâm lý, cách thức bán hàng đến từ chính tiểu thương và sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính quyền, người dân, doanh nghiệp...

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên