20g tối 1-7, kênh MTV Việt Nam đã chính thức phát sóng chương trình đầu tiên với chuyên mục MTV Vietnam Request hour (mục phát các ca khúc theo yêu cầu).
Cùng thời điểm đó, một lễ ra mắt trang trọng nhưng không kém phần tươi trẻ, tràn ngập âm nhạc đã diễn ra Hard Rock Cafe (TP.HCM). Tại lễ ra mắt, PV đã có cuộc trò chuyện riêng với bà Indra Suharjono - Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành khu vực Bắc Á và Đông Nam Á của Viacom International Media Networks (tập đoàn khai sinh nhiều thương hiệu truyền thông trong lĩnh vực giải trí của thế giới, trong đó có MTV) - về sự chuẩn bị cũng như những kế hoạch phát triển của MTV tại VN.
- Chào bà, từ năm 1998 khán giả VN đã biết đến MTV thông qua một vài chương trình lẻ trên kênh VTV3. Tại sao đến bây giờ, sau hơn 10 năm “quen biết”, kênh MTV mới chính thức có mặt tại VN?
- Bởi vì đây chính là thời điểm thích hợp nhất. Trước tiên, chúng tôi phải có những bước thăm dò thị hiếu khán giả, khách hàng cũng như thị trường VN. Sau đó là tìm kiếm những đơn vị hợp tác, cộng sự có nghề và hợp ý. Việc ra mắt kênh MTV tại VN thể hiện cách mà chúng tôi có thể kết hợp với thị trường bản địa để tạo nên một kênh truyền hình phù hợp nhất với những người xem truyền hình cáp dưới 30 tuổi trong khu vực Đông Nam Á.
Từ trái qua: Các VJ (video jockey - người dẫn chương trình) Đăng Khoa, Quỳnh Chi, Anh Vũ và UTT Panichkul (kênh MTV Asia) trong buổi ra mắt kênh truyền hình MTV Việt hóa
- Một số đánh giá của bà về thị trường nhạc Việt?
- Thị trường nhạc Việt sôi động với nhiều hoạt động thu hút. Giới trẻ VN yêu âm nhạc. Họ không chỉ thưởng thức âm nhạc trong nước mà còn dành nhiều sự quan tâm cho âm nhạc cũng như các tài năng âm nhạc trong khu vực và thế giới. Đó cũng là một trong những lý do chúng tôi có mặt tại VN.
- Hiện tại VN cũng đã có một vài kênh âm nhạc có nội dung và hướng đến đối tượng phục vụ tương tự MTV. Bà đánh giá các kênh đó như thế nào? Và kênh MTV ở VN sẽ có gì đặc biệt, thu hút khán giả VN hơn những kênh truyền hình đó?
- Việc VN đã có hai kênh truyền hình chuyên về âm nhạc một lần nữa cho thấy thị trường nhạc Việt rất sôi động. Cạnh tranh là điều cần thiết và tốt cho bất kỳ nền công nghiệp nào. Với MTV Việt Nam, chúng tôi sẽ cung cấp cho người xem những chương trình đa dạng ở thể loại, hình thức thể hiện với những kết hợp, hòa trộn một cách hợp lý giữa các chương trình trong nước, khu vực và quốc tế mà chỉ MTV có được.
MTV Việt Nam cũng sẽ được Việt hóa. Trong giai đoạn đầu, các chương trình được Việt hóa với phụ đề Việt ngữ sẽ là My supper sweet 16 (Ngọt ngào tuổi 16), MTV CRIBS, MTV K-pop Top 50... Ngoài ra chúng tôi cũng trình làng ba người dẫn chương trình trong nước: Đăng Khoa (Top 5 Vietnam Idol 2010), Quỳnh Chi và Anh Vũ.
- Ngoài việc giới thiệu kênh âm nhạc, trong chiến lược phát triển của MTV Việt Nam sẽ còn có những hoạt động nào?
- Trong tương lai, kênh MTV Việt Nam sẽ đẩy mạnh các chương trình thuần Việt, các sự kiện âm nhạc lớn cũng như các chương trình tìm kiếm VJ (video jockey - người dẫn chương trình) và hàng loạt cải tiến khác để ngày càng phù hợp với khán giả VN. Trong tháng 8, chúng tôi sẽ khởi động một trong những sự kiện lớn nhất tại thị trường VN trong năm nay: Giải thưởng âm nhạc video VN (MTV Vietnam’s Music Video Competition).
Ngoài ra chúng tôi đang hợp tác với Công ty BHD chuẩn bị sản xuất 32 ca khúc của 32 nhạc sĩ, ca sĩ đang được yêu thích tại VN. Trong xu thế hiện tại, chúng tôi cũng không thể phớt lờ thị trường âm nhạc trực tuyến và trên điện thoại. Chúng tôi sẽ sớm phát triển hình thức tiếp cận mới này với người tiêu dùng VN.
Giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới
Ông Long Vũ, Trưởng Ban Biên tập truyền hình cáp Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn đầu, bên cạnh các chương trình của MTV quốc tế, mỗi ngày chúng tôi có hai tiếng phát sóng các chương trình được Việt hóa (từ 20g-22g và phát lại vào sáng hôm sau từ 6g-8g) gồm các chương trình của MTV quốc tế phụ đề Việt ngữ và hai chương trình được sản xuất bởi Công ty BHD theo định dạng của MTV (MTV Thích Mê - phát sóng các ca khúc theo yêu cầu và MTV Chart Attack - bảng xếp hạng 20 ca khúc quốc tế hay nhất trong tuần do khán giả châu Á bình chọn).
Với thời lượng phát sóng 24/24 giờ mỗi ngày, tỉ lệ Việt hóa chiếm khoảng 1/6 thời lượng phát sóng. Các chương trình được Việt hóa sẽ tăng dần với mục đích đạt 100% Việt hóa trong khoảng một năm sắp tới.
Ngoài việc giới thiệu âm nhạc, văn hóa thế giới đến với con người Việt Nam, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần công sức trong việc giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tổ chức Giải thưởng âm nhạc video Việt Nam theo định dạng của MTV phát sóng trên MTV Việt hóa, chọn ra hai video ca nhạc xuất sắc nhất từ 32 video ca nhạc của 32 ca sĩ Việt Nam để giới thiệu trên kênh MTV châu Á”.
Hiện tại chỉ những khách hàng của các hệ thống truyền hình trả tiền VCTV, HTVC, K+, VTC, và sắp tới là MyTV, HCATV mới có thể xem được kênh MTV Việt hóa.
Theo Tuổi trẻ