Giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội là tội phạm tuy không mới nhưng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Đó là hệ lụy của sự xuống cấp về đạo đức, môi trường văn hóa bị ô nhiễm. Để phòng chống có hiệu quả với các loại tội phạm này, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và từng người dân.
Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường một vụ án giết người
Gây án vì mâu thuẫn nhỏ nhặt
Chiều ngày 15-6, Lê Văn Nhiều cùng vợ là Huỳnh Thị Ánh Tuyết và Lê Phương Toàn (cùng quê Đồng Tháp), sau khi uống rượu xong thì kéo đến KCN Đại Đăng, phường Phú Tân, để tính chuyện với Võ Văn Sơn (sinh năm 1977, ngụ An Giang) do có mâu thuẫn trước đó. Hậu quả của cuộc “nói chuyện” này là anh Nhiều tử vong trên đường đi cấp cứu, còn Toàn bị thương nặng. Võ Thanh Long (con ông Sơn), đối tượng gây án đã ra đầu thú.
Được biết nguyên nhân của mâu thuẫn đơn giản chỉ là va chạm với nhau trong giờ điểm danh để vào làm việc nhưng rồi từ cách ứng xử, lời ăn tiếng nói xúc phạm với nhau và mặc dù đã được công đoàn công ty hòa giải nhưng vẫn dẫn đến hậu quả thương tâm do sự cố chấp, hơn thua của cả đôi bên. Một người chết, một người bị thương nặng và rồi đây Võ Thanh Long không tránh khỏi hình phạt nghiêm khắc của pháp luật khi tuổi đời chưa quá đôi mươi.
Theo số liệu của Công an tỉnh, có gần 1.170 vụ giết người, cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến hết năm 2019. Mặc dù chính quyền, ngành chức năng các cấp đã quan tâm, chỉ đạo, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nhưng tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, đặc biệt do nguyên nhân xã hội vẫn còn ở mức cao, chiếm tỷ lệ gần 20% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra; hậu quả: 280 người chết, 1.186 người bị thương.
Cần các giải pháp phòng ngừa
Theo kết quả thụ lý điều tra các vụ giết người, cố ý gây thương tích xảy ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh, chủ yếu do nguyên nhân xã hội, thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, văn hóa vùng miền, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày thậm chí một lời bong đùa vu vơ cũng gây nên chuyện.
Nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích, giết người còn do tranh chấp tài sản hoặc chỉ va quẹt nhẹ khi tham gia giao thông. Điển hình như ngày 11-4, Phạm Văn Hà điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh, hướng từ chợ Búng đến phường Hưng Định, khi đến khu vực ngã tư chợ Búng thuộc khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TP.Thuận An, thì xảy ra va chạm với xe mô tô do Hoàng Văn Tuyền điều khiển. Khi va chạm, Hà buông lời thô tục nên Tuyền bực tức dùng tay đánh Hà. Sau khi Tuyền bỏ đi, Hà đi đến dùng chân đạp vào đùi trái của Tuyền và hai bên tiếp tục xảy ra xô xát. Tuyền liên tiếp đánh vào đầu Hà làm Hà té ngã xuống đường, sau đó dùng chân tay đánh nạn nhân bất tỉnh cho đến khi lực lượng công an đến bắt giữ. Kết quả là Hà tử vong, Tuyền bị tuyên phạt 19 năm tù giam.
Theo phân tích của cơ quan công an, phần lớn đối tượng gây án, người bị hại từ các địa phương khác đến tạm trú làm công nhân, làm thuê hoặc lao động tự do.... Sau khi gây án, các đối tượng thường bỏ trốn khỏi địa phương gây khó khăn cho công tác truy tìm để xử lý; phần lớn các đối tượng đều không thuộc diện quản lý về nghiệp vụ của lực lượng công an. Cá biệt có một số vụ giết người do mâu thuẫn tình ái nhưng thực tế đối tượng và nạn nhân không thường trú hay tạm trú tại địa phương, đến làm việc, sinh sống thông qua mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội và khi phát sinh mâu thuẫn đã cố ý gây thương tích hoặc giết hại lẫn nhau.
Để phòng chống có hiệu quả với các loại tội phạm này, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và từng người dân. Giải pháp có tính căn cơ, nền tảng nhất chính là xây dựng một xã hội văn minh, văn hóa, thượng tôn pháp luật và mọi người luôn quý trọng thương yêu nhau. Sẽ không có việc gì xảy ra nếu ai cũng biết kiềm chế trước mâu thuẫn xích mích, cho nhau sự yêu thương, lòng nhân ái; sống có lý có tình. Đó là mục tiêu không phải dễ có được nhưng đó là điều kiện tiên quyết để đẩy lùi tội phạm.
Để phòng chống có hiệu quả với các loại tội phạm này, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và từng người dân. Giải pháp có tính căn cơ, nền tảng nhất chính là xây dựng một xã hội văn minh, văn hóa, thượng tôn pháp luật và mọi người luôn quý trọng thương yêu nhau. Sẽ không có việc gì xảy ra nếu ai cũng biết kềm chế trước mâu thuẫn xích mích, cho nhau sự yêu thương, lòng nhân ái; sống có lý có tình. Đó là mục tiêu không phải dễ có được nhưng đó là điều kiện tiên quyết để đẩy lùi tội phạm. |
KHẮC CHUNG