Thời gian qua, tỷ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ có xu hướng gia tăng. Ly hôn không chỉ là nỗi đau, mất mát của hai vợ chồng mà còn là nỗi bất hạnh của những đứa con, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này của trẻ
Hòa giải viên Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An làm việc với nguyên đơn về vấn đề ly hôn. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Nhiều nguyên nhân
Theo một số thẩm phán tham gia giải quyết án ly hôn, những năm gần đây tình trạng ly thân, ly hôn có xu hướng tăng, trong đó thường rơi vào các gia đình trẻ (khoảng dưới 35 tuổi) và tỷ lệ người vợ đứng đơn yêu cầu xin ly hôn cao hơn so với người chồng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An, cho biết: “Qua giải quyết án ly hôn, chúng tôi nhận thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ nhận thức về giá trị cuộc sống hôn nhân còn hạn chế, chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, đặc biệt là với những trường hợp đã có con. Mặc dù đã được tích cực vận động và trực tiếp hòa giải từ cán bộ địa phương và cán bộ tòa án, song tỷ lệ hòa giải thành công chỉ đạt ở mức thấp. Trong năm 2021, Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An đã giải quyết 792/865 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình (đạt 91,56%), trong đó có 566 vụ công nhận thuận tình ly hôn và hòa giải đoàn tụ được 137 vụ, đạt 17,30%”.
Theo bà Thanh, một nguyên nhân dẫn đến hôn nhân tan vỡ là do giới trẻ ngày nay thường “yêu nhanh, cưới vội”, chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như thiếu hiểu biết về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi bước vào hôn nhân. “Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết, dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt khi dịch bệnh phức tạp, nhiều cặp vợ chồng trẻ thường xuyên ở nhà lại càng dễ dẫn đến mâu thuẫn về quan điểm, lối sống”, bà Thanh cho biết thêm.
Trao đổi về điều này, bà Trần Thị Đẹp, hòa giải viên, Hội thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết: “Do dịch bệnh Covid-19 nên các cặp vợ chồng thường xuyên ở nhà và dễ phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản đó là các cặp vợ chồng đang thiếu kiến thức, kỹ năng về hôn nhân. Trước khi đến với nhau để trở thành một gia đình, họ chưa được trang bị những kiến thức giáo dục tâm sinh lý vợ, chồng; cách giao tiếp ứng xử trong gia đình và các mối quan hệ liên quan kỹ năng nuôi dạy con và xử lý các mâu thuẫn gia đình. Nhiều cặp đôi yêu nhau và quyết định kết hôn vội vàng, đến khi chung sống được một thời gian thì bộc lộ những mâu thuẫn nên nhanh chóng quyết định chia tay”.
Tham gia hòa giải nhiều vụ ly hôn, bà Đẹp nhận thấy nhiều cặp vợ chồng cải vã trước mặt con cái và chỉ tập trung vào chuyện tranh giành tài sản hậu ly hôn. “Họ không đặt mình vào tâm lý của những đứa trẻ như thế nào khi chúng thường xuyên chứng kiến cảnh đó. Khi làm hội thẩm tại các phiên tòa hình sự, chúng tôi cũng nhiều lần bàng hoàng trước những vụ án hình sự liên quan đến bạo lực gia đình. Kết thúc những câu chuyện buồn từ cha mẹ là những đứa con bơ vơ, lạc lõng thiếu nơi nương tựa”, bà Đẹp nhấn mạnh.
Gạt bỏ mâu thuẫn, xây dựng gia đình hạnh phúc
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về hôn nhân - gia đình nhằm hạn chế ly hôn. Trong quá trình tiếp nhận, xét xử các vụ án ly hôn, điều đáng ghi nhận là các cấp tòa án trên địa bàn đều rất chú trọng đến công tác hòa giải. Bà Trần Thị Ngọc, hòa giải viên Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An, cho biết: “Trong quá trình hòa giải vụ việc ly hôn, nếu chúng tôi thấy hai vợ chồng vẫn còn tình cảm thì sẽ kiên trì hòa giải, chỉ ra hậu quả gia đình tan vỡ đối với con cái, để họ suy xét lại mà thay đổi quyết định. Tuy nhiên việc hòa giải đoàn tụ thường rất khó, vì quan trọng là vợ chồng có đủ kiên nhẫn lắng nghe, bao dung với những khuyết điểm, hạn chế của đối phương và thay đổi bản thân để cùng hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Theo bà Ngọc, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình trạng ly hôn sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ là công nhân lao động xa quê. “Khi nghĩ đến việc ly hôn, vợ chồng không nên nóng vội quyết định mà cần phải cân nhắc đến hậu quả đối với con cái về sau. Ly hôn là cái kết buồn cho một gia đình và những đứa trẻ. Nhưng vợ chồng có thể tránh được bằng việc nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình. Phải biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần tránh xa các tệ nạn xã hội, các mối quan hệ ngoài luồng trái pháp luật, suy nghĩ đúng đắn về bình đẳng giới trong gia đình, tạo cơ hội cho mỗi thành viên trong gia đình có cơ hội phát triển” bà Ngọc khuyến cáo.
Trong khi đó, bà Trần Thị Đẹp cho biết: “Để hạn chế tình trạng ly hôn, các ngành chức năng, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là giới trẻ hiểu đúng, hiểu đủ về trách nhiệm, vai trò của các thành viên trong việc xây dựng một gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chuyên gia tâm lý cũng cần hướng dẫn các cặp đôi trẻ cách giải quyết mâu thuẫn, tiết chế cảm xúc khi xảy ra xung đột trong đời sống hôn nhân”.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Bình Dương đã giải quyết 4.969/5.609 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình (đạt 88,59%), trong đó nhiều nhất là loại việc yêu cầu ly hôn. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu do mâu thuẫn vợ chồng về quan điểm, lối sống (3.489 vụ, chiếm 62,2%) và các nguyên nhân khác (613 vụ, chiếm 10,93%). Đáng chú ý, tình trạng ly hôn có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tập trung nhiều ở những gia đình công nhân lao động xa quê. Đa số nguyên đơn trong án hôn nhân thường là nữ. Tỷ lệ hòa giải đoàn tụ, hòa giải thành các vụ, việc liên quan đến án hôn nhân tại tòa án nhân dân các cấp thường rất thấp, chủ yếu là công nhận thuận tình ly hôn. |
NGUYỄN HẬU - TÂM TRANG