Mùa hè đến, nhiều phụ huynh có nỗi lo khi đi làm suốt ngày không có thời gian chăm sóc con cái. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, có bà mẹ cho biết họ “nơm nớp lo sợ” nên đi làm mà trong lòng không yên tâm…
“Không lẽ cứ đến hè phải gửi con về quê”, đó là suy nghĩ của chị Phạm Thị Thu Hường, là công nhân hiện đang ở trọ tại TP.Thuận An. Chị Hường cho biết hàng ngày hai vợ chồng đi làm ít nhất là 8 tiếng nếu không tăng ca. Thời gian không có ai ở phòng trọ cùng con quá dài như thế nên đến hè là vợ chồng chị rất lo lắng. Con gái chị năm nay học lớp 5, nếu về quê thì bé không theo lớp học hè ở đây được và hè nào chị cũng trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như thế. Chị Lê Thị Hạnh, tạm trú tại phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) cũng cho biết nỗi lo lớn nhất của chị là con bị rủ rê chơi điện tử rồi nghiện game và bị xâm hại khi ở nhà một mình!
Thời gian qua, để phần nào chia sẻ nỗi lo này của phụ huynh, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm rất nhiều đến hoạt động chăm lo, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại. Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng rất nhiệt tình trong công tác này. Cán bộ các cấp được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phòng ngừa, giải quyết tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật… Nhiều chương trình cũng giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội phát triển cho các em, bảo đảm ngày càng nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giúp đỡ kịp thời.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em (nạn nhân trực tiếp) mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại là trẻ bị tổn thương về thể chất và tinh thần, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội. Người lớn cũng cần chú ý về địa bàn xảy ra hành vi xâm hại trẻ em để phòng tránh. Một số đối tượng thực hiện xâm hại trẻ em tại nhà riêng của trẻ. Một số đối tượng lên mạng xã hội dụ dỗ các em đến nhà nghỉ hoặc những nơi vắng vẻ để thực hiện hành vi sai trái, đáng lên án…
Năm nay, chương trình khai mạc hè, Tháng hành động vì trẻ em được đồng loạt tổ chức vào ngày 1-6. Nhiều địa phương đã có cách làm hay như tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức trò chơi, tham gia sinh hoạt văn nghệ, trại hè cho thiếu nhi… Đó cũng là cách để bảo vệ trẻ em, kéo các em tránh xa điện thoại, mạng xã hội, giúp các em tránh xa cạm bẫy... mạng!
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội. Các hoạt động do vậy cần đổi mới nội dung, phương thức nhằm thu hút các em một cách tự nguyện đến cùng tham gia nhằm giúp trẻ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ để phát triển bản thân, thúc đẩy vai trò chủ động, tự tin vào các hoạt động cộng đồng…
QUỲNH NHƯ