Kết nối cung cầu hàng hóa Bình Dương năm 2021: Cầu nối hiệu quả, đưa hàng hóa vươn xa

Cập nhật: 24-12-2021 | 09:39:08

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Bình Dương năm 2021 là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, các nhà cung cấp gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp (DN) thương mại, các nhà phân phối, các DN xuất nhập khẩu cùng chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm đối tác hợp tác. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm của địa phương, giúp DN khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế...


Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Ngọc Tiến Thành

Cầu nối hiệu quả

Diễn ra từ ngày 21 đến 23-12- 2021, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2021 tạo cơ hội cho các DN trong nước tìm hiểu và kết nối với các đối tác tiềm năng trong nước và từ nước ngoài thông qua các phiên B2B (business to business) trực tuyến; tạo cầu nối giao lưu và quảng bá thương hiệu thông qua hơn 100 gian hàng triển lãm - trưng bày hàng hóa, dịch vụ tại sự kiện; cũng như tìm kiếm, chia sẻ thông tin thị trường với các DN tham gia trực tuyến và trực tiếp từ khắp các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hội nghị được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN tỉnh Bình Dương, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế. Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong 3 năm liên tiếp thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa, Bình Dương đã hỗ trợ cho gần 100 DN, hợp tác xã (HTX), trang trại trong tỉnh về ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, trái cây, mô hình trồng rau thủy canh và các sản phẩm rau an toàn, dược phẩm... tiếp cận các đơn vị cung ứng, hệ thống phân phối lớn trên cả nước. Đồng thời, ký kết thành công hơn 60 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc với các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế. Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các DN, hộ kinh doanh, HTX sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh có cơ hội hợp tác đầu tư, giao lưu trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội giao thương. Kết hợp tổ chức hội nghị với việc giới thiệu, quảng bá về sàn thương mại điện tử Bình Dương để người dân, DN có thể thay đổi thói quen tìm hiểu sản phẩm trên môi trường trực tuyến; hỗ trợ tối đa khả năng tham gia sàn thương mại điện tử, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, với tinh thần xem khó khăn thách thức là cơ hội để sáng tạo vượt khó, Bình Dương tích cực chủ động đẩy mạnh và khai thác tối đa chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0 trên tất cả mọi lĩnh vực. Theo đó, nhiều đơn vị, DN, HTX, trang trại đã tham gia các sàn thương mại điện tử, như: Alibaba, Amazon… và triển khai kênh bán lẻ trực tuyến của DN trên nền tảng Fanpage, Zalo, Instagram... Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương tiếp tục duy trì mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, DN, chủ trang trại, HTX để thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là hoạt động kết nối giao thương bằng hình thức trực tuyến, thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi tối đa đưa nông sản, hàng hóa - dịch vụ, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ghi nhận của P.V, tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa có hơn 100 gian hàng của các DN, HTX, trang trại của Bình Dương trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sơn mài, gốm sứ, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, công nghệ... trực tiếp đến các nhà phân phối và đến người tiêu dùng thông qua khu triển lãm trưng bày với sự tham gia của các DN phân phối lớn, các siêu thị tại Bình Dương và các tỉnh, thành trên cả nước.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu cũng đã diễn ra lễ ký kết giữa các chủ thể sản phẩm OCOP với các hệ thống bán bán lẻ, như: Siêu thị Co.opmart Bình Dương, siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị Tập đoàn GT Toàn Cầu, hệ thống siêu thị RichFood… Ngoài ra, để sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng được tiêu thụ ổn định, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Ngọc Tiến Thành chủ đầu tư hệ thống siêu thị RichFood để bảo đảm thu mua, hỗ trợ các đơn vị tỉnh Bình Dương tham gia thị trường.

Kênh xúc tiến thương mại quan trọng

Tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị, hỗ trợ các DN, đơn vị tiếp cận với việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là một việc làm rất hữu ích, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Đây thật sự trở thành kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong tình hình mới. Qua đó, chung tay xây dựng và phát triển “thương hiệu Bình Dương” trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các DN, nhà đầu tư, nhà cung ứng trong và ngoài nước trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hợp tác phát triển, giúp Bình Dương thực sự trở thành một vùng đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, phát triển vượt bậc trong tương lai gần.

Đại diện Bộ Công thương, bà Bùi Thị Thanh An, cho biết dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 tại các tỉnh, thành phía Nam, đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam. Nghiêm trọng hơn dịch bệnh đã làm gián đoạn và đứt gãy rất nhiều chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam. Hội nghị là cơ hội rất tốt để các DN, HTX Bình Dương đánh giá lại khả năng của mình để tái cơ cấu sản xuất, lựa chọn phương án, kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, các đơn vị cần có phương án liên doanh liên kết hướng đến mục tiêu giảm dần tỷ trọng sản xuất sản phẩm thô, tăng cường đầu tư sản xuất sản phẩm cuối cùng cho giá trị gia tăng cao và tiết kiệm tài nguyên. Qua đó, phát triển sản xuất bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực thi hành được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 và những năm tới. “Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong kết nối cung cầu, thứ nhất là kết nối với các địa phương với nhau, kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối - Đây là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương đối với tất cả các đơn vị thuộc bộ. Đối với mảng xúc tiến thị trường trong nước Cục Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động tổ chức kết nối cung cầu và kết nối vào các hệ thống phân phối trong nước”, bà Bùi Thị Thanh An khẳng định.

Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa có 28 sản phẩm nông nghiệp đã được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao, có khá nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc… Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đặt mục tiêu 100% số xã trong tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

TIỂU MY - KIM HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=823
Quay lên trên