Kết nối giao thương cho doanh nghiệp trong và ngoài nước

Cập nhật: 25-12-2021 | 10:49:25

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm địa phương tiêu thụ bền vững, Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương (WTC Bình Dương) tổ chức hội nghị các nhà cung ứng. Với sự tham dự các ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước và hơn 50 nhà cung ứng các sản phẩm dịch vụ, những DN khác tham dự trực tuyến qua nền tảng số tại nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước, hội nghị được kỳ vọng mở ra cánh cửa mới cho hàng hóa Bình Dương.

 Mở lối hàng hóa

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Chính vì vậy mà tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, qua đó đưa Bình Dương trở lại với trạng thái “bình thường mới”. Đây là hoạt động kết nối giao thương quan trọng, sẽ mang kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển thị trường trong và ngoài nước, mở ra cơ hội các DN, hợp tác xã cơ hội kết nối, hợp tác, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm trong tỉnh, địa phương, tối ưu hóa với thị trường trong nước và định hình phát triển với thị trường toàn cầu trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Trong đó, hội nghị các nhà cung ứng là một trong chuỗi những hoạt động kết nối giao thương quan trọng, sẽ mang kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào phát triển thị trường trong và ngoài nước, mở ra cơ hội cho các DN, hợp tác xã cơ hội kết nối, hợp tác, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm trong tỉnh, địa phương, tối ưu hóa với thị trường trong nước và định hình phát triển với thị trường toàn cầu trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh đi thăm các gian hàng của các đơn vị cung ứng

Bà Khánh Duyên bày tỏ vui mừng khi thông qua hội nghị, những nỗ lực của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương, WTC Bình Dương (WTC Bình Dương) và Công ty Global Sources - nền tảng kết nối giao thương trên 50 năm đã có những kết nối và làm việc chặt chẽ và ký kết MOU. Tất cả góp phần thúc đẩy giao thương, xuất khẩu sản phẩm trong và ngoài nước, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác phát triển mạnh mẽ để nâng cao thương hiệu DN Bình Dương cũng như DN Việt toàn cầu.

Ghi nhận tại hội nghị các nhà cung ứng, nhiều DN cho biết với bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” việc số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên cấp bách. Do đó, cộng đồng DN rất cần sự đồng hành của bộ, ngành và chính quyền các địa phương, nhất là về những cơ chế chính sách đẩy mạnh số hóa cho từng ngành nghề, lĩnh vực. Theo ông Trịnh Hồng Quyết, Giám đốc HTX dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo), trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hội nghị như là “cánh cửa” mở ra những lối đi cho DN. Bắt kịp xu thế, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó, DN chúng tôi cũng sẽ trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín không chỉ thương hiệu của mình mà còn là thương hiệu của Bình Dương.

Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương, cho biết tại hội nghị, các đơn vị đã gặp gỡ, tìm hiểu các đối tác và ký kết các hợp đồng cung cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Các DN cũng được các đơn vị tư vấn về cách thức, quy trình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), các xu hướng tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, WTC Bình Dương đã thông tin đến với các DN, cơ sở sản xuất các thông tin về thị trường, hướng đi bền vững thông qua giao dịch TMĐT. Phía WTC cũng cho biết trong thời gian tới, WTC tiếp tục hỗ trợ DN kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các sản phẩm của DN Bình Dương, trong đó có DN vừa và nhỏ phát triển bền vững. Phía WTC Bình Dương mong muốn các DN vừa và nhỏ nỗ lực để linh hoạt chuyển đổi số, thích ứng và nắm bắt cơ hội trong tình hình mới.

Hỗ trợ khai thác tiềm năng kênh online

Theo cộng đồng DN, nhiều sản phẩm, nông sản địa phương được sản xuất, kinh doanh bởi DN nhỏ và vừa nên hoạt động chuyển đổi số gặp không ít thách thức trong thời gian qua. Nếu quá trình này có sự hỗ trợ của sở, ngành địa phương, cùng với sự dẫn dắt của những DN đầu ngành thì sản phẩm, nông sản địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn và cơ hội lên sàn TMĐT cũng như tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, cho biết với sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ DN bắt kịp đà phát triển, nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương xây dựng Sàn TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ DN từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Sự ra mắt của sàn TMĐT Bình Dương sẽ là một trong những công cụ, cầu nối để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh song song giữa thương mại truyền thống và thương mại trực tuyến. Đặc biệt, sàn TMĐT Bình Dương sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng, hỗ trợ DN kết nối giao thương thuận lợi, với chi phí tiết kiệm và không bị giới hạn về không gian và thời gian, hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn trong bức tranh TMĐT tỉnh Bình Dương trong thời gian sắp tới. Các DN thông qua sàn TMĐT Bình Dương có thể tạo gian hàng và kênh thông tin giới thiệu, hiển thị thông tin cụ thể về DN và thông tin các sản phẩm DN muốn giới thiệu đến người tiêu dùng. Trong đó, DN sẽ quản lý mỗi gian hàng từng tương ứng do mình tạo ra, đồng thời được phép đăng tải thông tin về sản phẩm hàng hóa của DN, đăng tải quảng cáo, quảng bá thương hiệu. Sàn TMĐT Bình Dương cũng hỗ trợ người tiêu dùng, các đơn vị đối tác có cơ hội tìm hiểu về DN, về sản phẩm và dịch vụ mà DN cung cấp.

Điều đáng mừng là thời gian qua, một số DN đã nâng cao nhận thức và tìm giải pháp xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Tuy nhiên, có một rào cản là các DN nhỏ và vừa địa phương, vẫn tồn tại những điểm yếu về chuyển đổi số hóa, ứng dụng công nghệ... nên bị hạn chế tham gia đa kênh bán hàng hiện đại. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật cho các DN, hợp tác xã một cách thiết thực nhất.

“Chúng tôi duy trì mối quan phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, WTC Bình Dương, các hiệp hội ngành hàng, DN, chủ trang trại, hợp tác xã để thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhất là hoạt động kết nối giao thương bằng hình thức trực tuyến, TMĐT nhằm tạo thuận lợi tối đa đưa nông sản, hàng hóa - dịch vụ, sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó chung tay xây dựng và phát triển “thương hiệu Bình Dương” nói riêng cũng như thương hiệu Việt trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho DN, các nhà đầu tư, nhà cung cứng trong và ngoài nước trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hợp tác phát triển. Tất cả hướng tới giúp Bình Dương sớm trở thành một trung tâm giao thương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như thu hút khách hàng toàn cầu”, bà Khánh Duyên khẳng định.

 TIỂU MY - KIM HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1310
Quay lên trên