Vùng Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container của hệ thống cảng biển Việt Nam. Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, Chính phủ đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối.
Lãnh đạo Bộ GT-VT cùng lãnh đạo các tỉnh thực hiện nghi thức nhấn nút thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Chính vì vậy, chiến lược, quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông - vận tải (GT-VT) nói riêng tiếp tục xác định vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa…
Phát biểu tại buổi lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GT-VT, cho biết đây là đoạn tuyến nằm trong quy hoạch cao tốc Bắc - Nam phía Tây của đất nước (đường Hồ Chí Minh tiêu chuẩn cao tốc). Dự án có ý nghĩa, vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ của khu vực Đông Nam bộ. Khi hoàn thành, tuyến Chơn Thành - Đức Hòa sẽ kết nối giao thông thông suốt và rút ngắn thời gian từ các tỉnh Tây nguyên qua vùng Đông Nam bộ với các tỉnh miền Tây Nam bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ hiện hữu.
Thúc đẩy phát triển
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để tạo bước đột phá về kinh tế, trong nhiều năm qua Bình Dương đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông, tạo ra một sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức, không theo kịp tốc độ phát triển. Hiện tại, các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đã xảy ra tình trạng quá tải vào giờ cao điểm như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn... Nhu cầu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành lân cận đi qua địa bàn ngày càng gia tăng trên một số trục đường huyết mạch.
Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, Bình Dương đã xây dựng Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng GT-VT theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2585/QĐ-UBND ngày 17-10- 2022 về việc thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8- 2021 của Tỉnh ủy. Đặc biệt, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối là một trong 6 chiến lược của quy hoạch tỉnh.
Với quan điểm “giao thông đi trước, mở đường”, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, Bình Dương đã và đang tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, như: Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Phát biểu tại lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa mới đây, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh đối với tỉnh Bình Dương, tuyến đường giúp hoàn thiện hệ thống đường phía tây bắc của tỉnh, mở ra hướng kết nối mới giữa Bình Dương với các tỉnh xung quanh, đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu ở Tây nguyên và Tây Nam bộ. Đồng thời, tuyến đường còn tác động đẩy nhanh việc hình thành, phát triển các Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Cây Trường sớm trở thành khu công nghệ cao, vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.
Sau gần 12 năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GT-VT, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được khởi động lại để tiếp tục hoàn thành các hạng mục dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 72,75km (điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; điểm cuối giao với Quốc lộ N2 - nay là đường Hồ Chí Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG